cho cơ-mưu khỏi tiết lộ, Thống-soái cho giữ kín giáo-dân kia
ở một nơi và dặn giáo-sĩ Hoằng không được mang mưu-lược
ấy tâu với vua Đồng-Khánh. Vua Hàm-Nghi xuýt bị khốn ở
cửa Khe vì hai đạo quân Pelletier và Plagnol cùng đánh vào
một lúc, cũng là bởi mưu lược của giáo-sĩ Hoằng.
Nhưng Trương-quang-Ngọc là người cùng với Tôn-thất-
Thiệp có trách nhiệm phải bảo-vệ cho vua Hàm-Nghi, lại hiểu
miền này hơn hết mọi người. Ngọc đưa vua đi ẩn khi ở
Thanh-cước, khi Ma-rai, có khi về hẳn cửa Khe, nhưng chỉ
quanh quẩn ở mấy khu rừng tiếp giáp ba tỉnh Quảng-bình,
Hà-tĩnh và Cam-môn (Lào). Chỗ này, nguồn nước của dải
Trường-sơn đã khơi lên mấy con sông : Nai, khe Giòi, khe Ve,
Ngàn-sâu, Ngàn-phố. Con thuyền vong-mệnh nay đây mai
đó, lênh-đênh trên mấy dải nước trong xanh. Có khi Ngọc lập
lên vài túp lều ở khe núi làm chỗ vua ẩn tạm. Nhưng vua
Hàm-Nghi không ở đâu lâu. Khi quân Pháp kéo đến cửa Khe
thì vua đã thiên sang Ta-bào, Quân Pháp vẫn biết vua Hàm-
Nghi ẩn ở vùng này, nhưng không sao biết được đích là ở
đâu, cho nên có lúc người ta đã phao lên rằng vua Hàm-Nghi
bị bệnh thương-hàn, chết.
Đồ nhật-dụng của nhà vua gồm có mấy món : nước
mắm, cá khô, lá ngấy-hương thì từ phủ Quảng-trạch gửi sang
do một người làng Thanh-lạng quen gọi Bát Danh đệ lên
cung, tiến. Cái tung tích bí mật của vua Hàm-Nghi nhờ đấy
mà không ai biết, ngoài mấy người hầu cận và đội quân
Mường của Trương-quang-Ngọc.
Biểu ở các nơi lúc đầu đều gửi về Thác-dài (thuộc làng
Cổ-liêm) và do Tôn-thất-Đạm dâng vua, vì Thuyết sau khi