Hội-đồng này cũng chẳng hoạt-động gì.
Tiếp, lại xẩy ra việc Gia-hưng-Vương bị giết, Gia-hưng-
Vương là em vua Tự-Đức, Gia-Hưng hồi đó chừng 50 tuổi,
vốn thân-thiện với người Pháp nên có hồi Rheinart đã tính
đến việc lập Gia-Hưng lên làm vua. Việc không thành, Gia-
Hưng tự dưng gây thù với bọn Tôn-thất-Thuyết.
Hồi tháng Năm 1885, Gia-Hưng bị bắt ; người nhà sang
nhờ đại-biểu Pháp can-thiệp, Gia-Hưng được tha. Nhưng
Nguyễn-văn-Tường nói cho Lemaire biết rằng việc Gia-Hưng
là việc riêng của Triều-đình Huế, người Pháp không có quyền
can-thiệp. Mấy hôm sau Gia-hưng-Vương lại bị bắt. Lần thứ
hai, Vương bị lột hết chức-tước và buộc vào tội « Tiết-lậu
quân quốc trọng sự », kết án phái lưu ra Mai-lĩnh. Được ít lâu
Vương chết.
Các quan-lại dự vào việc Gia-Hưng đều bị kết án vào tội
âm-mưu phản-quốc và xử-tử.
Nguyễn-hữu-Độ vì không tuân theo triều-đình, ý muốn
nhậm chức Tổng-đốc Hà-nội bị triều-đình khép vào tội chết
và ra lệnh cho phải dùng thuốc độc mà tự-tận.
Tình-hình càng ngày càng nghiêm-trọng. Tôn-thất Thuyết
trước còn đặt súng chung quanh đại-nội, sau dàn súng lên cả
mặt thành.
Lãnh-sự Pháp cho cử-chỉ đó là một biểu-hiệu chiến-tranh,
yêu-cầu Nam-triều phải triệt binh. Thuyết bề ngoài cho cất
bớt súng để y được vừa lòng, nhưng phía trong, vẫn dự-bị
ngấm ngầm, phòng một cuộc chiến-tranh mới.