Đến mỗi xóm, quân lính lại đốt lửa lên hong quần áo và
thổi cơm gạo hẩm hoặc ngô mua được ở dọc đường mà dùng.
Nhiều khi không gặp làng xóm gì hết, đêm đến, Ngự đạo
phải ngừng lại ở giữa rừng, quân lính chặt cành cây, cắt lá rồi
lập thành những túp lều nhỏ cho vua, quan ẩn tạm. Những
chỗ ở tiêu điều và nhem nhuốc ấy hiện ra một cảnh phản trái
với lầu các nguy nga ở Hoàng-thành. Trừ những văn quan và
võ tướng hy-sinh vì một lý tưởng, quân sĩ nhiều người khổ vì
sự gian lao, không dấu được vẻ lo phiền. Trông cảnh tượng
ấy, rồi lại nghĩ đến thân mình, vua Hàm-Nghi thường lộ ra vẻ
mặt buồn rầu song không phàn nàn chi hết.
Từ Mường Mahasay trở đi, số người mắc bệnh lại càng
nhiều. Thuyết cho rằng đi lại một cách khổ-sở mãi như thế
thì cả đoàn có ngày đến tiêu diệt hết nên Thuyết bỏ ra rất
nhiều tiền định mua lại voi của người Lào.
Nhưng họ không dám bán vì Chánh-phủ Xiêm ra lệnh
nghiêm cấm không cho người Lào bán voi ra ngoại quốc, mà
không có giấy phép của Vọng-các.
Thất vọng, Thuyết mang vua sang phía đông, định đi về
miền Quảng-bình. Nhưng càng đi càng gặp nhiều núi non
hiểm trở. Ngự-đạo phải lưu lại đất Ban-tong để chờ cho mưa
tạnh.
Ban-tong ở về phía Đông-bắc Mường Mahasay, giáp địa
giới tỉnh Quảng-bình. Chỗ này họp ba tổng Ban-tong, Phon
Savan và Ban Na Thot. Dân ba tổng nguyên từ đời cổ không
chịu phục tòng quan lại Lào nên trước kia có nội thuộc vào
nước An-nam. Họ vốn trung thành với triều đình Huế. Giữa