nói:
- Tôi phụng chiếu đến đây, thấy nhà Vua thực hành được cuộc thống
nhất thiên hạ là việc phúc lớn cho nhà nước, tôi đâu chẳng hết lòng. Nhưng
ngày nay, việc nhà Chúa vẫn chưa yên mà tôi đã vội nhận ơn nhà Vua thì
công luận sao khỏi chê tôi là tham lam. Thôi thờ nhà Vua là việc lâu dài,
xin hãy tạm thu sắc lệnh lại.
Hữu Hạo thấy Đinh Tích Nhưỡng tỏ thái độ rất cương quyết nên phải
xin với Vua Chiêu Thống cứ theo lệ cũ mà phong cho Trịnh Bồng là “Tiết
chế thủy bộ chư quân Bình chương quân quốc trọng sự Côn quốc công”.
Lại cấp cho 3.000 quân, 5.000 mẫu ruộng và thuế 200 xã để phụng sự cung
miếu của họ Trịnh. Các quan mang việc này nói với Nhưỡng, Nhưỡng
không phàn nàn gì hết. Khi sắc phong làm xong, tâu lên, Vua Chiêu Thống
sợ dần dà Trịnh Bồng lại leo lên tước vương chăng nên truyền thảo thêm
một đạo sắc dụ, trong nói từ nay về sau, họ Trịnh đời đời chỉ được phong
đến tước Quốc công thôi chứ không bao giờ được phong vương nữa.
Theo lệ, sắc ban xuống cho Trịnh Bồng rồi thì lập tức dán ở cửa Đại
Hưng cho công chúng cùng biết.
Đinh Tích Nhưỡng đọc sắc thấy mấy chữ đời đời chỉ được phong đến
tước Quốc công thì tức giận nói:
- Nếu lấy Quốc công làm tước phong ban đầu thì còn có nghĩa, chứ bắt
người ta từ đời này qua đời khác không bao giờ được phong vương thì còn
vô lý gì bằng. Ngày nay nhà Vua thống nhất, các quan đều được phong theo
chức cũ, lẽ đâu nhà lại phải oan khuất một mình!
Lập tức, Nhưỡng thảo tờ đạt mời các quan đến dự hội tại cung Tây Long
để bàn về việc này. Đến dự hội chỉ có sáu, bảy quan văn là Ngô Trọng
Khuê, Nguyễn Gia Lịch, Nguyễn Tôn Điển, Nguyễn Đình Thiều, Phan Huy
Ích. Những người này, quan chức phần nhiều là còn thấp bé, sở dĩ a dua với
Nhưỡng, chẳng qua cũng chỉ là để cầu chóng được thăng.