trộm cắp, phải vội vã thắp đèn. Bọn sai dịch lo chậm trễ việc công cũng bắt
buộc phải đốt đuốc mà đi ngoài đường phố.
Đô thành bỗng chốc đã hiện ra các cảnh tượng đêm ba mươi tết.
Trước một trạng thái phi thường như vậy, công chúng không thể không
tự hỏi: tại sao?
Phải, tại sao trời đương nắng ráo phút đổi ra tối sầm?
Tại sao giữa trưa ngày hai mươi tháng Chạp mà mịt mù như lúc giao
thừa?
Rồi trong lúc mỗi người tự đào óc để tìm lấy một câu trả lời cũng kỳ
quái chẳng kém gì cái hiện tượng nói trên thì, từ ngục Đề lĩnh, một cậu lính
Thiết đột hốt hoảng chạy ra, báo nhỏ với người bạn của hắn là lính Túc vệ
đứng canh ở cửa Đại Hưng:
- Đức ông Hoàng Trừ bị hại rồi!
Hắn lại dặn thêm:
- “Việc quốc gia bí mật” anh nên biết một mình thôi, chớ nói lại với ai
mà rụng đầu đấy!
Nhưng hắn vừa đi khỏi thì cậu Túc vệ đã lặp lại với một bọn chừng
người cậu Túc vệ khác, từ trong thành ngất ngưởng đi ra.
- Các anh có biết không? Đức ông Hoàng Trừ bị hại rồi! “Việc quốc gia
bí mật”, các anh nên biết một mình thôi, chớ nói lại với ai mà rụng đầu đấy!
Rồi, từ mười người này truyền sang một trăm, tiếp một ngàn người
khác, việc mà cậu lính Thiết đột gọi là “quốc gia bí mật”, chỉ trong khoảnh
khắc, đã do con đường “cửa miệng” của công chúng mà lan ra khắp thành
Thăng Long.