nước sông Hương. Ban đầu thì ông bà ngoại không chịu gả mẹ cho ba vì
vấn đề môn đăng hộ đối. Ông ngoại ngày xưa là quan nhất phẩm triều đình,
dòng dõi danh gia vọng tộc. Còn ba mồ côi cha, bà nội chỉ có một sạp hàng
bán đồ gốm ngoài chợ An Cựu để làm kế sinh nhai, nuôi con ăn học nên
người.
Tuy nghiêm khắc, nhưng ông bà ngoại rất cưng chiều con cái, nhất là mẹ,
vừa học giỏi lại vừa nết na đằm thắm. Thấy ba và mẹ yêu nhau quá, ông bà
ngoại không nỡ làm khổ con, nên một đám cưới đơn giản được cử hành,
nối liền hai tâm hồn, hai cuộc đời riêng biệt, từ đây chung một mái nhà, bao
ngọt bùi chia sẻ cho nhau.
Ngày ba mất, em mới lên tám, Quang lên năm và Bích Ty chưa đầy một
tháng.
Sau đám tang ba, mẹ đau một trận tưởng chết. Không khí trong nhà ngột
ngạt khó chịu. Dì Nguyệt sang thăm mẹ mà cứ ngồi khóc sụt sùi cả ngày
nơi ngưỡng cửa.
Bà nội thì lo thang thuốc cho mẹ, vừa săn sóc cho Bích Ty. Em còn nhỏ
quá, chưa giúp đỡ được gì cho mẹ cả. Em chỉ biết ngồi bên giường mẹ, cầm
lấy đôi tay gầy guộc rưng rưng: "Mẹ ơi, mẹ đừng chết nghe mẹ!".
Mẹ mở đôi mắt buồn nhìn em:
- Thúy Vy, đừng khóc con, mẹ không chết mô, mẹ phải cố gắng sống với
con và các em chứ. Cu Quang mô rồi con? Coi chừng trông em, đừng để nó
ra nắng rong chơi rồi đổ đau đổ ốm thì khốn.
Một thời gian thật lâu, mẹ mới lành bệnh. Nghe bà nội nói bởI vì mẹ đang
non ngày non tháng, lại gặp chuyện quá đau lòng nên mới sinh bệnh. Qua
khỏi được cũng nhờ ơn trời phật.
Sau ngày ba mất, hình như mẹ càng yêu em hơn lên, cả Cu Quang và Bích
Ty nữa. Bích Ty càng lớn càng xinh đẹp giống mẹ như khuôn, nhất là cái
miệng, đôi môi dầy vừa vặn, mỗi khi cười trông như đóa hoa tường vi.
Mẹ thôi không đi làm nữa. Mẹ bảo đi làm một ngày hai buổi không có thì
giờ săn sóc các con. Mẹ bàn với bà nội sửa sang lại căn nhà cho khoáng
đạt, rồi mở tiệm tạp hóa buôn bán kiếm lời sinh sống. Nhờ trời thương, cửa