ngày hôm nay chiến tranh đang xảy ra, chẳng quan tâm xem Trân Châu
cảng nằm ở phương trời nào, mối quan tâm duy nhất của cậu lúc này là làm
sao mỗi ngày kiếm càng nhiều cua cá càng tốt, nhặt được càng nhiều rau
má càng hay. Những điều ấy sẽ giúp cho gánh hàng đặt trên vai mẹ cậu mỗi
sáng bớt đằm đi, tiếng thở của mẹ khi đòn gánh trên vai bớt gấp gáp, giúp
cho ba người em kế cậu bát cháo bớt đi phần rau độn. Cả nhà gồng mình
chống cái đói cái nghèo, cuối cùng cũng không thoát được cảnh chia ly.
Cuối năm 1940 cái khó dồn đến chật nhà, ông bà giáo đành giao người con
trai thứ hai, em trai của Lân là Ly cho người bà con trong làng làm thợ in
trên Hà Nội. Nhìn người em trai mới chín tuổi, toòng teng chiếc tay nải bên
đôi vai gầy gò theo người làng lên học làm thợ sắp chữ ở nhà máy in Đuốc
Tuệ, nước mắt Lân trào ra. Cậu không hiểu nổi tại sao một đứa trẻ lên chín
có thể rời nhà đi xa đến thế. Và cậu cũng chỉ lờ mờ nhận ra, mảnh đất Hà
Nội xa xôi kia với cái làng Bung nhỏ nhoi của cậu chắc chẳng gần như từ
nhà cậu sang phố Giỗ. Không biết anh em cậu đến bao giờ mới có ngày gặp
lại. Chỉ đến năm 1944, phát xít Nhật ném bom dữ dội ở Gia Lâm - nơi nhà
máy in Đuốc Tuệ đang làm nên ông giáo đã cho đón Ly trở về.
Rau má đào mãi cũng hết. Tôm cá trên đồng không thể có phép hoá thân
nên ngày một ít đi. Cái khó, cái nghèo ngày càng thắt sợi thòng lọng chặt
thêm vào cổ người nghèo. Làng Đại Phong thấm màu xám xịt, lạnh lẽo.
Những sợi khói lam chiều ít thấy vẩn vơ trên nóc bếp mỗi nhà. Những
người giầu có của ăn của để ngày một ít. Người ta kiếm sống bằng đủ nghề.
Người chạy chợ, người làm hàng xay hàng sáo, người buôn chuyến, buôn
bè mãi tận mạn ngược. Người nghèo càng nhiều, nhưng túi của những ông
chủ giàu có lại ngày một căng với mánh cho vay nặng lãi. Cái khó ló cái
khôn, nhiều người nhanh nhạy đã mở những cửa hàng phục vụ cho các ông
chủ lắm tiền ham chơi.
Người Đức Phong ngỡ ngàng với cái nhà hát nhỏ ông Đình Tuynh vừa mở.
Tiếng sênh, nhịp phách từ nhà hát vẳng ra thấp thoáng bởi bóng dáng thướt
tha của những cô đào lý dẫu chẳng làm ấm lại không khí tiêu điều của một
vùng quê cái nghèo đang đeo đẳng, nhưng với Lân, tiếng sênh, tiếng phách