ông tất tả chạy ra, đặt dải khăn trắng vào tay ông giáo. Nhìn dải khăn tang
trắng trên tay cha, Lân không hiểu gì. Chẳng phải bà con họ hàng vì chưa
bao giờ cha đưa cậu tới chơi ở nhà này bất kể là dịp nào. Người làng lại
càng không phải bởi người làng người nước khi chết đâu phải để tang
nhau? Còn đang mải dõi mắt vào nhà ngóng chuyện, Lân thấy ông giáo vỗ
vào vai mình:
- Con đội lên đầu đi.
Cậu ngơ ngác. Dợm môi định hỏi, lại gặp ánh nhìn nghiêm nghị của cha,
cậu đành cúi mặt, im lặng thắt vành khăn trắng lên đầu. Ông giáo nắm tay
con trai, dắt vào sân. Vào nhà, Lân mới biết, bà chủ nhà này vừa mất. Cô
con gái lớn của bà đã được ông bà giáo dạm hỏi cho cậu. Tục lệ thôn quê,
nếu nhà có tang, con cái muốn dựng vợ gả chồng phải chờ ba năm mãn
tang mới được cưới xin. Vả lại lề thói khi ấy, trai gái về làm bạn với nhau
từ thuở mười ba, mười bốn nên ông bà nhất tâm cho Lân sang chịu tang bà
mẹ cô gái trước. Ba tháng sau, ông bà giáo cưới vợ cho con trai. Lân thành
chồng của cô gái mười sáu tuổi.
Phải "làm chồng" khi mới mười ba tuổi, Lân chẳng thích thú gì. Thậm chí
sự xuất hiện của cô gái lạ mà mọi người trong nhà gọi là "vợ" cậu kia chỉ
mang đến cho Lân bao điều khó chịu. Làm gì cũng phải làm cùng "vợ"...
Lân đâm bực mình nhưng sợ bố và cả thương mẹ nên cậu chẳng dám phản
ứng chỉ ngấm ngầm chống đối. Ăn cơm cùng mâm, cậu không bao giờ chịu
ngồi gần "vợ". Hết cơm trong bát, cậu lẳng lặng ra đơm lấy. Khổ nhất là lúc
gà lên chuồng... Mọi người đi ngủ, Lân cứ quanh quẩn mãi, hết nghiêng thứ
này lại ngó thứ nọ, cốt kiếm cớ đi nằm sau để lẻn vào ngủ với thằng em
ruột. Được một thời gian, "vợ" cậu thấy không được chồng nhỏ quan tâm,
lại đau ốm liên miên nên đã bỏ về nhà đẻ. Cuộc hôn nhân ép buộc của Lân
khép lại. Lân lại trở về với cuộc sống của một cậu bé mười ba tuổi, với bao
buồn vui, vất vả và cả ngây ngô, ngộ nghĩnh.
* *
*
Chẳng mảy may quan tâm tới chiến tranh thế giới thứ hai vừa nổ ra, chẳng
cần biết thế giới phân chia thành mấy đại cục, mấy phe phái, không cần hỏi