hơn. Nhưng vận này chưa qua, hạn khác đã tới. Không nóng hỏng trứng thì
dịch bệnh lại kéo về. Vịt chết như ngả rạ ngoài đồng. Nay mua giống về
nuôi, mai chết, chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề chăn vịt thả đồng.
Người nuôi không có, vịt con ấp nở ra biết bán cho ai? Ba năm sau, vốn
liếng của hai chú cháu hết sạch. Cái hy vọng có thêm nghề phụ giúp vợ
nuôi con không thành, ông giáo còn gánh thêm gánh nợ ngập đầu, ngập cổ.
Thương người cháu, ông đứng ra nhận hết phần nợ của cả hai chú cháu về
mình. "Gánh cực mà chạy lên non. Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo”,
sản nghiệp ông bán sạch để trả nợ mà vẫn không hết. Các chủ nợ thúc ép
thường xuyên. Nhìn đàn con như trứng gà trứng vịt sàn đầu đang tuổi ăn
tuổi lớn nheo nhóc, ruột gan ông bà giáo thắt lại. Bữa ăn thường ngày của
cả gia đình thường xuyên là cháo độn rau má, củ chuối. Có được thứ cháo
loãng ấy cầm hơi cũng còn nhờ cả vào gánh hàng tảo tần trên đôi vai gầy
của bà giáo nghèo quanh năm dầu dãi.
Mười hai tuổi, Lân bỏ học. Trong trí óc non ớt của mình, cậu muốn làm
việc gì đó đỡ đần cha mẹ. Biết con trai lớn bỏ học, ông bà giáo bực lắm,
nhưng cảnh nhà đang quẫn bách, lấy gì cho con theo đòi nghiên bút cho
bằng. Mười hai tuổi, cậu bé Lân tự ép mình thành người lớn.
* *
*
Bất chợt, ông Lân buông tiếng thở dài. Những năm tháng khốn khó tuổi ấu
thơ cứ như chiếc bóng toạ đăng chao đi chao lại. Ông cũng không lí giải
nổi, tại sao ngày ấy con người lại có thể gồng gánh được nhiều nỗi buồn
đau, cơ cực đến thế. Và ông cũng không hiểu nổi tại sao ngày ấy lại có
nhiều thứ hủ tục lạ đời ngớ ngẩn đến vậy. Không thể hiểu, không thể lí giải
bởi những hủ tục ấy cứ len lỏi, cứ bám riết như thân tầm gửi trên cành
bưởi, cành mít nhà ông, như mớ tơ hồng vấn vít trên rặng cúc tần ngoài
ngõ, buộc vào mọi người, trong đó có ông. Lạ lùng hơn khi khổ đấy mà
chẳng một ai than thở. Dường như khi tất cả đều khổ nên chẳng mấy ai còn
nhận ra mình đang khổ đến thế nào. Bị hủ tục buộc vào, vậy mà không mấy