Ngâu đâu. Vợ đi việc vợ, chồng đi việc chồng, gặp nhau chỉ chốc lát. U em
cũng mong có cháu lắm…
- Việc ấy cũng hệ lắm đấy. Mà thôi. Nhà tớ bên này cũng thế… Hì hì…
Chuyện đâu rồi có đó thôi. Có gà mái là khắc có gà giò mà… Cứ động viên
u cậu thế…
Ba người bước ra ngoài sân. trăng hạ tuần như lưỡi liềm ai bỏ quên, lửng lơ
đính vào chiếc cần câu mây, lắc lư mãi lưng chừng trời.
* *
*
Tối ngày 28 tháng 7 năm 1952, tại đình làng Đức Phong, cuộc họp toàn dân
được tổ chức. Nhân dân Đại Liêu, Đức Phong tham dự rất đông. Bà con
ngồi chật cả sân đình. Có người đến muộn, đánh phệt ngay xuống thềm đất,
ngả mê nón, hì hụi quạt. Tiếng điếu bát rít lên tanh tách. Tiếng chép miệng,
tiếng thở dài. Người ta bàn về tình hình thóc gạo, về chỗ này địch bắn giết
bao nhiêu người, về nhà kia có con đi lính vừa phải bỏ xác ở trận nào đó.
Cả về một bà cô không chồng của nhà nọ chẳng hiểu chuyện gì mà bỗng
dưng thắt cổ chết, hồn ma cứ lẩn quất không sao siêu thoát được, về mớ
rau, con cá… Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng nhiều nhất vẫn là
chuyện đồn Phương Điếm bắt dân Đức Đại dời nhà. Thanh niên nhí nháu
bình phẩm, cô này đẹp, cô kia mẩy, răng nhánh hạt na… Mỗi người một
chuyện, thôi thì đúng là năm người mười bụng dồn cả về đây. Họ nói
chuyện vậy nhưng tai vẫn hướng ra, chỉ cần nghe tiếng rít của đạn đại bác
là nhoáng một cái họ sẽ túa ra các căn hầm trú ẩn được đào sẵn ngay bên
cạnh đình. Đó là thói quen người Đức Đại rèn được từ ngày chấp nhận
quay trở lại lập tề giả, chấp nhận cảnh sống “xanh vỏ đỏ lòng, ngày địch,
đêm ta” trên mảnh đất này.
- Cuộc này oách nhỉ – Tiếng ông già ngửa cổ nhả khói thuốc lào, vân vê
chòm râu – có cả bí thư, cấp uỷ chi bộ liên xã về dự thế này… Tí nữa mà
tôi nghe nhời bà lão nhà tôi không đi thì có phải hỏng việc không… Chậc
chậc…