lều chợ cái bị tung lên cao, mái lá vắt vẻo mãi tận ngọn cây, cái đổ ụp, cháy
xém. Cả cái hàng cơm bề thế nhất chợ của ông chủ ba vợ cũng bay mất một
mảng tường. Ngôi hàng trống hoác một phía như người già rụng hết răng
cửa. Bên cánh cửa ám khói bom đen kịt, ông chủ hàng ngồi gục đầu giữa
hai gối, vai gồ lên. Ngẩng nhìn thấy Chắt, ông bật khóc, giọng đàn ông ồ ồ:
- Bà cả nhà tôi chết rồi, cô ơi! Bà ấy bị sập hầm chết mất rồi.
Nhìn người đàn ông già nua khóc vợ thấy thật thảm hại. Cô còn chưa kịp
nói gì, bà hai, bà ba từ trong nhà đã ào ra:
- Chị ơi! Bà cả nhà em có làm gì chúng nó đâu mà chúng nó giết bà ấy…
Quân kẻ cướp!
Họ ôm xác người chết vừa lôi từ hầm lên, khóc như mưa. Bà cả nhà hàng
cơm vốn đẹp gái, vậy mà giờ gương mặt bầm đen, mắt mở trừng trừng.
Những người đàn ông phải lấy rượu day mãi mới vuốt cho mắt bà ấy nhắm
lại được. Nước mắt Chắt con ứa ra.
* *
*
Chiến dịch Điabôlô bắt đầu đúng vào những ngày cuối năm bốn chín.
Quân Pháp tung vào chiến dịch này hai binh đoàn thiện chiến nhất lúc đó:
Binh đoàn Com - muy - nan và binh đoàn Bô - phờ - rê. Lợi dụng địa bàn
nhiều sông ngòi lớn, địch sử dụng một đội thuyền chiến được tăng cường
nhiều tàu chở bộ binh (LCI), tàu đổ bộ (LCA), tàu vận tải (LCT) chở bộ
binh và thuỷ quân lục chiến, thực hiện mũi vu hồi chiến dịch, nhằm bịt kín
phía tây và nam của Hải Dương, không cho ta vượt sông sang Hà Đông, Hà
Nam và Thái Bình.
Không gian của chiến dịch rất rộng, quân địch lại tiến đánh gấp gáp
với hơn bốn nghìn tên. Không giống với những chiến dịch trước chỉ đơn
thuần là những trận càn đơn lẻ nhằm thọc sâu vào vùng tự do của ta, lần
này, chúng thực hiện bao vây lớn, nhanh chóng vu hồi bịt kín địa bàn, đánh
chiếm những điểm then chốt để chia cắt địa bàn, không có hợp điểm toàn
chiến dịch nhưng chiếm đến đâu, vũ trang ngay cho bọn phản động tại chỗ
đến đó. Địch cũng triệt để lợi dụng tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ
và hệ thống nhà thờ thiết lập hệ thống chiếm đóng để từ đó phát triển sâu