vọng vào càng làm ruột gan mấy anh chị em như nhũn ra, đứt từng khúc
một. Nhìn chị Chua vẫn thiêm thiếp trên manh chiếu góc chùa, Chắt con
không đành lòng. Cô đứng dậy, dợm chân bước ra, vừa lúc anh Sinh từ
ngoài vào, mặt âu lo:
- Để cô ấy thế này không được. Vết thương nặng lắm, giờ phải làm sao lấy
được viên đạn ra, không có nhiễm trùng thì khốn... Chỗ bị đạn sưng to lắm
rồi, mà máu thì không cầm được. Mấy cô có cách gì không?
- Hay đi sâu vào làng xem có nhờ được ai giúp không - Chị Sự rụt rè
- Nhờ ai được lúc này. Giặc vừa càn, khủng bố trắng. Dân chết không biết
bao nhiêu. Họ lo cho họ chưa xong... Mình phải tự lo thôi - Giọng anh Sinh
đăm chiêu như anh chỉ nói cho riêng mình nghe - Tỉnh uỷ cũng vừa có chỉ
thị chính thức rồi, phải bám dân, đưa dân trở về. Bây giờ thế này, chúng ta
phải cắt cử người trông nom cô Chua, xúm cả lại thế này không được, còn
lo việc khác. Cũng phải cử một người về làng báo cho gia đình cô Chua
biết. Cụ thân sinh ra cô ấy cũng là người có nghề, quen biết nhiều, gia đình
sẽ lo chạy chữa, chứ giằng dai thế này, nguy hiểm lắm... Đường từ đây về
quê rất xa, lại phải qua nhiều bốt địch, ai về nào?
- Để em về. Em thuộc đường rồi, với lại, nhà em cũng gần nhà chị Chua,
em về, lỡ bọn bốt có biết, chúng nó cũng không nghi nhiều. Thầy u chị
Chua ra đón chị ấy thì các anh chị về cùng họ, coi như ta chỉ chạy tản cư về
thôi... Chắt con quả quyết.
Chị Xoan, chị Sự không nói gì. Anh Bảng quê tận Bình Giang cũng không
thông thuộc đường về Gia Lộc. Suy đi tính lại, mọi người đồng ý để Chắt
con về.
Sáu giờ sáng, cô lần đường ra bãi bồi, bí mật vượt sông Thái Bình.
* *
*
Con đường mòn ngang qua huyện Tứ Kỳ gập ghềnh, thồi thụt vết chân trâu.
Khăn vuông che kín mặt, quần vo quá gói, cô như người đi bắt cua, lẫn vào
những người đi làm đồng, lần vượt từng đoạn đường, hướng về mạn Gia