12. SÔNG SÂU CŨNG CÓ KẺ DÒ
Terri Taylor không cung cấp cho Glass thêm thông tin nào ngoài cái tên
Charles Varriker tiếp tục được nhắc đến khá thường xuyên. Cho đến giờ,
Glass vẫn chưa biết Terri đến tìm ông làm gì. Có lẽ với cô, ông là điểm
đáng chú ý của Dylan Riley, và cô nhất định phải đến trước khi về cố
hương Des Moines. Cô cười héo hon:
- Em không hợp với New York và Des Moines cũng không hẳn hợp với em.
Không thể nói cái chết của Dylan Riley làm Terri đau khổ cùng cực. Nhưng
nó khiến cô mệt mỏi, chán chường. Vì còn quá trẻ, chết chóc là quá sức
tưởng tượng của cô. Với một cô gái trẻ như Terri, án mạng quá kỳ bí, lạ
lùng, chỉ có trong chuyện trinh thám. Glass hình dung Terri của mười năm
nữa: lấy chồng làm nhân viên bảo hiểm, vun vén cho chồng con trong ngôi
nhà ngoại ô thành phố, gần cánh đồng ngô tràn ngập nắng trải dài đến tận
chân trời xa tắp.
- Dylan tôn ông làm người hùng. - Terri nói lại lời của Dylan. - Và rồi hắn
bị bắn bể đầu.
Chiều đến, Glass đi bộ đến ngã tư giữa đại lộ Lexington và đường Năm
mươi đón xe buýt đường dài Hampton. Một trong những lợi thế đáng kể
của việc lấy vợ giàu là Glass không phải chuẩn bị hành trang khi đến căn
nhà ở Long Island, bởi mọi thứ ông cần đều chờ sẵn ở đó, từ bàn chải đánh
răng đến quần áo ngủ.
Glass ghét đi thế này. Đường thì xa, ngồi xe buýt mệt bã người và ồn ã để
rồi khi ông đến nơi, quần áo hôi rình mùi khói bụi và tâm trạng cáu kỉnh.
Lần đầu nghe nói đến xe đò Hampton, ông nhớ phim hài Frank Capra có xe
buýt cũ móp méo, đầu xe tròn như củ hành, nóc xe chất đầy rương hòm
bằng gỗ dán, và hàng ghế trước có cô nàng bắt chước Marilyn Monroe ngồi