nghịch mắt là chiếc mũ treo trên cánh cổng, hai chiếc dải rủ xuống như hai
cánh tay buông xuôi.
Thái hậu quát hỏi, bọn tọa thượng nô tâu:
- Bẩm thái hậu, đấy là mũ của quan Tư nghiệp Quốc tử giám Chu An,
treo ở đó đã từ ba hôm nay.
- Quan sư phó đâu? Quan gia đâu, hôm nay có học không? Thái hậu dằn
giọng hỏi và bà nhìn sói vào tòa nhà sừng sững, im phắc.
Đám nô bộc ngơ ngác nhìn nhau khép nép. Rồi một lão nô vòng tay lễ
phép thưa:
- Tâu đức thái hậu, từ hơn hai tháng nay quan gia không lui tới điện
Kinh Diên. Còn quan Tư nghiệp thì treo mũ ở đây đã ba ngày vẫn không
thấy người trở lại.
Thái hậu thở dài. Bà vừa buồn vừa giận. Giận con thì ít, giận mình
nhiều hơn. Bà bước vào nhà bái đường, trông thấy mấy bọc quần áo và
chiếc mũ treo ngoài cửa Huyền Vũ kia, thế là bà hiểu tất cả cơ sự. Bà không
khỏi bàng hoàng về việc Chu An đã bỏ đi. Bà thật lấy làm tiếc. Âu cũng là
bài học cho con ta và cả cho ta nữa, bà thành thật nghĩ như vậy. Và tận đáy
sâu lòng mình, bà thấy kính trọng người thầy học này; kính trọng cả việc bỏ
đi của ông ta nữa. Con người vừa lẫm liệt cao ngạo, vừa khí phách tiết tháo
của một bậc nho giả, bậc thức giả. Chán vạn kẻ khác, nếu ở vào vị thế của
ông ta là tự phụ tự mãn lắm rồi, quỳ gối uốn lưng cốt để làm vừa lòng thiên
tử.
Nỗi giận con lại cháy bùng lên, mặc dù bà là một người mẹ yếu đuối.
Bà sai kiệu vào thẳng điện Thiên An và cho nổi trống đăng văn liên hồi.
Các quan từ nhất nhị phẩm đến lục thất bát phẩm ở các đài, sảnh, viện,
phủ đệ lục tục kéo nhau đến chầu. Tất cả đã gần đủ, chỉ thiếu có Dụ tông và
dăm bảy viên đại thần nữa.
Thái hậu sai đặt ghế cho bà ngồi trước ngai vàng. Thấy có cuộn giấy đã
mở niêm phong đặt trên long án, bà liền trải ra coi. Bà không tin ở mắt
mình ngay từ hàng chữ đầu: “Sớ xin trảm bảy tên đại gian thần". Lướt
xuống trang cuối cùng thấy dòng chữ: "Chu An kính bái!".