XXII
Được cử làm lưu thủ kinh sư, Kiến đức đại vương Nghiễn bị mất cha,
vừa được lên ngôi vua, Giản hoàng lại mất thêm người mẹ. Vậy là chỉ trong
ít tháng nhà vua mất cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, nhà vua cũng không còn thì
giờ để đau buồn nữa. Bởi triều đình có bao nhiêu việc phải bàn và phải làm.
Mặc dù nhà vua chẳng biết bàn gì và làm gì, nhưng vẫn bị đám cận thần
luôn luôn quấy nhiễu. Lúc họ bảo: "Bệ hạ phải phê vào chiếu này"; lúc lại
bảo: "Bệ hạ phải nói điều này...". Ngoài những điều bực bội nho nhỏ, nhà
vua nghiệm ra rằng mình có nhiều quyền lực quá; tới mức cho ai sống thì
được sống, bắt ai chết thì phải chết, và muốn gì, lập tức có ngay. Chung quy
chỉ tại cái ghế ngồi (ý nhà vua muốn nói cái ngai vàng) .
Vua lại được thượng hoàng Nghệ tông, đem công chúa Thục Mỹ, là một
trang tuyệt sắc gả cho. Thục Mỹ được lập ngay làm hoàng hậu.
Triều đình bàn nên cử người sang cáo phó với nước Minh nhân việc
Duệ tông mất. Bàn cãi mãi về việc báo tang như thế nào; cuối cùng mọi
người đều nhất tâm nên nói: "Vua đi tuần ngoài biên giới bị chết đuối".
Nhân đây, quan tư đồ Trần Nguyên Đán xin nhà vua cử người cao nhã,
có tài biện bác sắc sảo, có bản lĩnh kiên cường, lại phải biết cả tiếng nói của
người Minh nữa, để không chỉ làm việc nghi lễ mà còn phải dò tìm thêm ý
tứ người Minh đối với nước ta. Trần Nguyên Đán bày tỏ thêm:
- Cứ theo như ý thần, thì các đời vua Trung Quốc, không một đời nào là
không có ý đồ thôn tính Đại Việt. Mưu mô ấy có thực hiện được hay không,
còn tùy thuộc vào thế của họ và lực của ta. Song lúc này không thể là lúc họ
không dòm ngó.
Theo xướng xuất của Nguyên Đán, triều đình bàn tính mãi, cuối cùng
mới cử được Trung thư thị lang, kiêm tri thẩm hình viện sự, ngư sử trung
tán thám hoa lang Trần Đình Thâm đi sứ nhà Minh.
Lại nói về Ngự câu vương Húc bị bắt ở Chiêm Thành. Ta còn nhớ, Ngự
câu vương Húc là con của thượng hoàng Nghệ tông, đã phối duyên cùng