tuế không bằng phượng hoàng sơ sinh. Thật là đại hạnh cho nước nhà lắm
lắm.
( Có nghĩa là con quạ già trăm tuổi, không bằng con phượng hoàng mới
sinh. Lê Bá Lượng cho rằng suốt 30 năm ông học hỏi, dò tìm sâu nông nội
điển, mà sự hiểu biết vẫn còn mờ mờ mịt mịt. Vậy mà tiểu chủ của ta mới
đọc qua đã nắm được yếu pháp của binh thư).
Lại nói Nghệ hoàng trở về Thăng Long, lòng tan nát về nỗi sức quân
yếu hèn, kinh thành xơ xác. Nhà vua hỏi bá quan:
- Làm thế nào để tăng sức quân? Làm thế nào để ngăn giặc dữ phương
nam?
Các quan còn chưa hết kinh hoàng thì làm sao mà nảy sinh ra kế sách.
Nghệ tông dừng cặp mắt nơi Đỗ Tử Bình, như ngầm khích lệ ông ta hãy
vì vua mà hiến kế.
Tử Bình đặc trấn mặt nam, bấy lâu nay bị Chế Bồng Nga đánh cho thất
điên bát đảo, nên đã bớt huyênh hoang. Ông thừa biết hiện tình quân lính ra
sao. Đến lương thực còn chẳng đủ ăn; quần áo, khí giới tất cả đều thiếu, đều
cũ nát, rệu rã như tinh thần của họ vậy. Một đội quân như thế làm sao mà
đánh được giặc.
Tử Bình ấp úng bước ra khỏi ban:
- Tâu thượng hoàng, giặc đến không thể không đánh. Nhưng sức quân
xuống lắm. Phải vực lên cấp kỳ. Mà muốn vực thế quân lên, nhà nước phải
có tiền. Thật nhiều tiền. Vì rằng người lính, ngoài cái ăn, cái mặc lại còn
phải có khí giới, thuyền bè, xe ngựa.
Nghệ hoàng cau vầng trán, hỏi lại:
- Khanh bảo ta lấy đâu ra thật nhiều tiền bây giờ. Đến cung điện của ta,
dinh thự của các đài, sảnh, viện giặc đốt phá chẳng có tiền mà sửa, còn lấy
đâu ra tiền để sắm khí giới, ngựa xe, thuyền bè nữa?
Tử Bình bèn tâu:
- Thần xin dâng thượng hoàng một kế mọn. Tình thế không thể cưỡng
được, ta nên bắt chước "phép dung" của nhà Đường. Tức là ngoài thuế
ruộng đất, nay thêm một sắc thuế thân cho các đinh nam. Mỗi đinh nam một