năm phải đóng 3 quan. Cả nước có hai triệu đinh, bệ hạ lập tức có 6 triệu
quan chi dụng cho việc binh.
- Thôi được! Thượng hoàng tặc lưỡi. Ta vốn không muốn phiền nhiễu
dân, nhưng không còn cách nào khác nữa. Vậy bên hành khiển ty cứ theo kế
của Tử Bình mà làm.
Quý Ly cũng xin thượng hoàng cho chọn trong quân các vệ, người nào
mạnh khỏe, thông hiểu võ nghệ thì sung làm vệ sĩ.
Lại xin cho Nguyễn Bát Sách quản quân Thiết sang; Nguyễn Vân Nhi
quản quân Thiết giáp; Nguyễn Hỗ, Lê Lặc quản quân Thiết liêm; Nguyễn
Thành Liêm, Nguyễn Thành Du quản quân Thiết hổ; Trần Quốc Hưng quản
quân Ô đồ...
Các việc trên, thượng hoàng cùng quan gia đều y cho cả.
Qua lời tâu trình và hiến dâng kế sách, thượng hoàng Nghệ tông càng
đem lòng yêu dấu Quý Ly. Ngài tự nghĩ: "Thế nước đang chung chiêng,
không thể không dựa vào con người này". Ngài nhìn thấy ở Quý Ly, con
người đang ẩn chứa một tài năng ghê gớm, nhưng chưa có thời cơ thi thố.
Lại cũng nhìn thấy ở người anh em bà con họ ngoại này, một tấm lòng trung
hậu vô song. "Con người này phải được trao quyền hơn nữa". Thế là ngay
lập tức, thượng hoàng ban lệnh thăng cho Quý Ly làm tiểu tư không, vẫn
kiêm hành khu mật viên đại sứ như cũ.
Do không được bàn định từ trước việc cất nhắc này, nên từ quan gia đến
tả tướng quốc Trang định vương Ngạc cùng bá quan đều chưng hửng.
Tan chầu, Nghệ tông cho gọi Quý Ly vào hậu điện, dặn nhỏ:
- Ta không sợ Chế Bồng Nga, nhưng cứ phòng trước.
Quý Ly tưởng Nghệ hoàng bàn kế phòng chống giặc Chiêm bèn sụp lạy:
- Để cho thượng hoàng lúc nào cũng phải áy náy lo âu, thần thật đắc tội.
Việc dẹp lũ cướp biển Chế Bồng Nga, thần đã có diệu kế. Nhất định thần
phải bắt bằng được Chế Bồng Nga để làm lễ hiến phù cho bệ hạ đẹp lòng.
- Biết! Ta biết khanh tận trung lắm. Việc đánh giặc, khanh hãy bàn kỹ
với Tử Bình. Ta thấy kế của Tử Bình dùng tạm được. Nhà nước có tiền, các
khanh kíp vực thế quân lên. Hiện thời trong kho ta còn ít tiền đồng, khanh
đưa sang cất giấu trong hang núi Thiên Kiện, núi Khả Lãng cho ta. Bữa