giết được đứa nghịch đệ phản quốc ấy đi. Mặt trong thì kẻ ngoại thích được
thượng hoàng tin yêu, đang ngấm ngầm cố kết vây cánh. Ta cũng nghĩ như
ông: "Lâu ngày dày kén thì khó gỡ lắm". Thôi được, ông cứ để ta liệu. Đây
là việc lớn phải kín nhẹm như bưng. Kẻ kia ác hiểm hơn đời, nếu ông môi
hở răng lạnh, việc chưa thành đầu đã rơi, mong ông nhớ kỹ lời ta.
Nhật Chương đi rồi, vương Ngạc càng thêm bối rối. Ông thật sự không
hiểu được vua cha. Thường Ngạc có bầy tỏ đôi điều xa xôi về Quý Ly đều
bị Nghệ hoàng gạt đi. Có lúc vua cha còn răn: "Coi chừng, con hẹp lượng sẽ
không dung được người tài". Lại cũng đôi ba phen vương tiến cử Nguyên
Đán. Rằng phải trao thực quyền cho Quốc thượng hầu. Nhưng đều bị vua
cha phản bác: "Ta với Nguyên Đán là tình anh em, sao ta không biết. Đán
có cái tâm tốt. Trí thì quảng bác hơn đời. Tài thì vu khoát. Ấy vậy mới khó
dùng".
Hiện lúc này vương Ngạc cũng không hướng về Trần Nguyên Đán nữa.
Bởi bao tâm huyết của Trần Nguyên Đán đều dồn trút vào việc xây dựng kế
sách. Đã có tới ba bốn kế sách khác nhau dâng thượng hoàng, đều không
được xem xét thấu đáo. Vì vậy ông không còn hy vọng thi thố nữa. Cái chí
của ông bây giờ là lui về dưỡng nhàn.
Lại nghĩ đến đế Nghiễn. Thái úy không nghi ngờ tấm lòng đôn hậu của
quan gia. Song đây chưa phải là chuẩn mực của một đấng quân vương. Nhà
vua hiền lành đến đần độn. Không có được một kế sách gì khả dĩ ích nước,
lợi dân, hoặc làm trong sạch bộ máy nhà nước. Điều gì thượng hoàng phán
là răm rắp tuân theo. Bởi vậy, mỗi lời nói của thượng hoàng đều biến thành
luật lệ, thành quốc sách. Còn điều gì do các đô, đài, sảnh, viện dâng lên đều
hạ bút ký liền. Ôi người làm vua mà như thế có hơn gì một tên thư lại, một
cái hình nộm.
Một mình không thể lo tính hết các điều phải quấy cao thấp, thái úy liền
cho vời tri thẩm hình viện sự Lê Á Phu, tướng quân Nguyễn Bát Sách cùng
các ngự sử Nguyễn Hà, Lê Lặc và một vài người thân tín khác.
Thường những người này hay qua lại phủ thái úy, nay được triệu đến
cùng lúc, họ ngầm hiểu ý. Sau khi nghe thái úy tả tướng quốc vương Ngạc,
nói về nỗi quan hoài của ông trước nội tình đất nước và giặc ngoại xâm đe