XXIX
Qua vụ mưu sát không thành, bị Quý Ly quật lại, không những đế
Nghiễn bị treo cổ mà hàng chục viên tướng khác, một số các quan đại thần
và hàng trăm người có liên lụy đều bị giết. Không khí trong triều chìm hẳn
xuống. Các quan như gà phải cáo, không còn ai dám hé môi nữa.
Ngay cả tướng quốc thái úy Trang định vương Ngạc cũng tiu nghỉu như
mèo mất tai. Ngạc đã tìm ra kẻ tiết lộ cơ mưu chính là Vương Nhữ Mai.
Nhưng Mai vẫn cứ nhơn nhơn, tướng quốc cũng đành chịu.
Vương Ngạc tự nhủ: "Làm gì Quý Ly không biết ta dính vào vụ này. Thế
mà y vẫn không đả động gì tới. Hẳn là y định diệt hết vây cánh ta rồi mới
quay sang diệt ta. Tiếc thay, chính phụ vương lại tiếp sức cho kẻ thù, thời
trước sau ta cũng phải chết về tay y". Nỗi niềm không biết dãi tỏ cùng ai.
Ngay việc gặp mấy người em bất hạnh của Linh Đức vương, tướng quốc
cũng ngại.
Lại nói về gia cảnh của Duệ tông. Sau khi ông bỏ mình trên đất Chiêm,
thì ít lâu sau, vợ ông vì không muốn tận mắt thấy con mình bị giết, nên bà
cũng tự xử trước rồi. Nay đến lượt Nghiễn chết nữa, mấy người em trở nên
hoang mang hãi sợ. Người em kế của đế Nghiễn là Nguyên Diệu, đem liêu
thuộc lên thuyền chạy vào phía nam, rồi sang hàng Chế Bồng Nga.
Chế Bồng Nga được Nguyên Diệu nên biết rõ nội tình Đại Việt đã rối
lại càng thêm rối. Ông bèn triệu đại tướng La Ngai cùng các bầy tôi tâm
phúc bàn kế chinh phục Đại Việt.
Chế Bồng Nga nói:
- Nội tình Đại Việt hiện rối ren như những ngày cuối của Nhật Lễ tiếm
quyền. Tuy vậy, binh lực của họ so với ngày ấy yếu hơn nhiều. Quý Ly thao
túng triều đình, thâu tóm văn võ người tôn thất cũng không làm gì được.
Ngay đến tướng quốc con của Nghệ tông cũng bó tay. Quý Ly đứng được là
vì mọi việc y đều nhân danh Nghệ tông mà sai khiến. Việc giết đế Nghiễn
mưu ở Quý Ly, nhưng Nghệ hoàng tuyên xử. Vậy là lòng dân hờn oán.