thẩm hình viện sự Lê Á Phu; đốc Thiết liêm quân Nguyễn Khoái, Nguyễn
Văn Nhi; quản Thiết giáp quân Nguyễn Kha, Lê Lặc; quản Thiết sang quân
Nguyễn Bát Sách là những người định đem quân vào cướp vua. Cùng với
các tướng, hàng đô quân cũng đều bị giết cả.
Giết hàng trăm người, Quý Ly vẫn chưa thấy yên tâm. Điều Quý Ly sợ
nhất là tướng quốc Trang định vương Ngạc nắm giữ ngôi tôn.
Vì vậy Quý Ly lại triệu Phạm Cự Luận đến mật bàn:
- Ông có kế gì đưa được Chiêu Định vương lên ngôi không? Quý Ly
hỏi.
(Chiêu Định vương tức Ngung, con út của thượng hoàng mới 12 tuổi).
Phạm Cự Luận thầm nghĩ: "Quý Ly nuôi chí đoạt xã tắc. Nay đang ở thế
cưỡi hổ. Thắng keo này là thắng lớn !" Đoạn ông đáp:
- Việc tất phải thế.
- Sao tôi thấy người ta đồn vương Ngạc sẽ lên ngôi. Nếu Ngạc lên ngôi,
tôi với ông có chạy ra Đại Lại ngay bây giờ cũng không kịp nữa.
- Thế thì tương kế tựu kế.
- Kế gì, ông nói ta nghe? Quý Ly sốt ruột giục.
- Ông cứ vào hỏi thẳng thượng hoàng việc có đúng như người ta đồn
không? Ông nên nhớ, nhà vua có tính cứ hay làm trái với mọi người. Hỏi
xong, ông lại khuyên nhà vua nên truyền ngôi cho con đích. Mà trong các
vương thì không ai bằng tướng quốc. Tôi chắc chắn nếu nhiều người nói tốt
cho Ngạc, thì thế nào Ngạc cũng bị thượng hoàng đánh rớt. Vả lại cái lỗi
lớn nhất của Ngạc là quá tin vào lòng trung chính và sự hiếu thảo của mình,
mà quên một điều cha mình là người già cả ưa nịnh như tính thường của
tuổi tác.
Quý Ly lại dùng kế của Phạm Cự Luận, quả có làm cho Nghệ hoàng
khó chịu. Ông lại khéo gợi về tập ""Bảo hòa di bút", khiến nhà vua càng
thêm bực giận vì vương Ngạc đã tỏ ra thiếu trân trọng.
Hôm sau thiết triều, Nghệ hoàng sai quan hàn lâm thị độc tuyên chiếu
trước bá quan.
Quan hàn lâm hắng giọng rồi đọc rành rõ từng lời: “Nhờ hồng phúc của
liệt tổ, việc nguy đã nên an, xã tắc lại vữngvàng, rường mối lại như xưa.