Trần Khát Chân phất cờ cho binh thuyền lao đi độ mười trượng, bỗng
Bà-lậu-kê nắm lấy tay ông run run nói:
- Bẩm tướng quân, trong số các thuyền sơn xanh kia. Chiếc có màu sơn
sẫm nhất là chiếc của quốc vương tôi. Đây là chiếc thuyền chắc chắn nhất,
trải thủ và cung thủ cực khỏe, nếu tướng quân không nhanh tay là nó chạy
mất.
Lập tức Trần Khát Chân cho bắn hỏa pháo vào chiếc thuyền có màu
xanh sẫm. Thế là từ hai bên bờ sông, các loại song sảo pháo, ngũ sảo cự
thạch pháo ào ào bắn vào tiêu mục đã xác định. Rồi tứ phía, nỏ cứng, tên
độc nhất tề trút xuống như mưa giông chớp giật.
Thương thay Chế Bồng Nga, một quốc vương, một dũng tướng có một
không hai trong lịch sử của đất nước Champa, đã làm cho vua tôi Đại Việt
kinh hoàng suốt 19 năm ròng đã tử trận.
Trần Khát Chân quyết đánh một trận rửa hận cho non sông đất nước,
nên sức quân ông được nhân lên tới cả vạn lần, tưởng không một kẻ thù nào
không bị hạ sát.
Chế Bồng Nga chết bởi hàng loạt mũi tên bắn ghim chặt ông vào mạn
thuyền. Nhiều mũi tên xuyên qua cổ qua đầu, xuyên từ phía trước ngực và
cả phía sau lưng, ghim đứng ông vào ván thuyền.
Khen thay Nguyên Diệu, chỉ một tia lóe sáng trong đầu, y vội lượm
thanh mã tấu trên sạp thuyền, chặt lấy đầu Chế Bồng Nga, rồi chạy ra mũi
thuyền tay giơ cao thủ cấp Chế Bồng Nga, tay cầm cờ trắng vẫy thuyền Đại
Việt. Chiếc Kim Phụng của Trần Khát Chân vừa ghé mũi, Nguyên Diệu đã
nhảy ào về với quân ta.
Thượng đô quân Long tiệp với Phạm Nhữ Lặc và đầu ngũ là Dương
Ngang vừa kịp nhận ra Nguyên Diệu, liền huơ đao lia một nhát, đầu
Nguyên Diệu rơi bịch xuống ván thuyền cùng với đầu Chế Bồng Nga. Máu
từ cổ Nguyên Diệu phun vọt lên như một cây bông máu mà thân y vẫn chưa
kịp đổ.
Trần Khát Chân sai quản quân Lê Khắc Khiêm bỏ thủ cấp Chế Bồng
Nga vào hòm, lập tức chở thuyền về báo tiệp với thượng hoàng Nghệ tông ở
hành tại Bình Than, còn mình tự đốc thúc quân sĩ truy đuổi giặc.