XXX
Giết được Chế Bồng Nga, cả triều đình mừng lắm, Nghệ tông thở phào:
- Thế là cái họa Chiêm Thành từ nay không còn phải lo nữa.
Triều đình nghị bàn ban khen cho những người có công trong việc đánh
bại quân Chiêm. Trần Khát Chân chiếm công đầu. Khát Chân vốn dòng dõi
Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng, là vị tướng trẻ nhất trong hàng tướng
lĩnh Đại Việt. Cho đến khi giết được Chế Bồng Nga và đánh tan hơn mười
vạn quân Chiêm Thành, tướng quân mới hai mươi tuổi. Vua thăng cho Trần
Khát Chân làm Long tiệp bổng thần vệ thượng tướng quân, tước Vũ tiết
quan nội hầu. Lại ban cho thực ấp một trăm mẫu tại làng Hoàng Mai, và
được nhận lại chiếc đai ngọc vua ban trước lúc xuất chinh mà Trần Khát
Chân gửi lại. Phạm Khả Vĩnh làm Xa kỵ vệ thượng tướng quân, tước quan
phục hầu Phạm Nhữ Lặc và Dương Ngang đều được thưởng tước 5 tư;
thăng Nhữ Lặc làm giám Cấm vệ đô, cho Dương Ngang 30 mẫu ruộng. Các
người khác được thăng chức, tước theo thứ bậc khác nhau.
Lại nói về Trần Nguyên Đán, từ khi ông cáo quan về hưu ở cái tuổi sáu
mươi, tưởng là về dưỡng nhàn hóa lại không phải thế. Đúng là bứt khỏi
công việc triều đình cái thân có nhàn, nhưng cái tâm ngày càng chất chứa
nỗi đau thế sự. Nhiều việc đời ngang trái hằng ngày cứ dội vào tai ông, rồi
chứa chấp chật ứ trong não ông, tưởng đến vỡ tung cả đầu óc. Ví như việc
Quý Ly mượn tay Nghệ hoàng để giết cháu ruột của chính ngài là hoàng đế
Nghiễn. Lại giết cả trăm người khác mà Quý Ly cho là có liên hệ; trong đó
không ít người tôn thất. Ngay đến cả con mình như thái tử tướng quốc
vương Ngạc, nhà vua cũng nghi ngờ mà tước dần quyền bính trao vào tay
Quý Ly. Thực các mưu mô này đều ở một Quý Ly, nhưng lại được ban ra từ
oai quyền của Nghệ hoàng, thành thử người đời cứ nhầm tưởng Nghệ hoàng
vẫn còn điều hành triều chính một cách công minh và thiết thực.
Ngay cả việc Quý Ly vì kém mưu mà thua Chế Bồng Nga, trốn chạy
khỏi chiến trường, nơi ông ta được toàn quyền đô đốc. Quý Ly đáng phải trị