IV
Trước viện đăng văn có xây một cái lầu nhỏ, và treo ở đấy một chiếc
trống cái. Mặt trống to đến hai thước bảy tấc rưỡi. Tang trống sơn son, thếp
rồng vàng uốn lượn cùng những lọn mây rực lên như ngọn lửa. Ý chừng
đấy là lửa công lý.
Trống ấy để cho những người có nỗi oan khuất, kêu mãi không thấu cửu
trùng, thì đến đó thúc lên một hồi ba tiếng, khắc có người ở Viện đăng văn,
tức là cơ quan luật pháp cao nhất của triều đình ra tiếp. Muốn đánh trống
ấy, phải leo lên một chiếc thang cao quá đầu người mới lấy được cái dùi.
Nhưng lâu nay, suốt ngày đêm người trong nước đổ về đông như trẩy
hội. Họ chen chúc nhau tranh dùi trống, mấy lần suýt gây án mạng, mà
tiếng trống thì không bao giờ dứt được.
Viện đăng văn không đủ người tiếp dân. Vả.lại, dẫu có tiếp cũng không
có cách nào xử hết được các điều oan khuất nhan nhản trong dân, nhiều như
lá cây trên rừng.
Vì vậy quan đình úy đã cho đốt chiếc thang ấy đi, và phái hẳn một đô
quân đến canh không cho ai vào trong lầu trống. Dân các lộ trong nước,
những ai còn chưa biết việc này, kéo về kinh sư, ngó nhìn chiếc trống từ xa,
chửi đổng vài câu rồi cắp đít đi liền. Bởi thế, Viện đăng văn trở nên vắng
ngắt. Và hai mặt trống da đã mốc xanh. Đây là học đòi chính sách thân dân
từ đời Lý Thái tổ.
Đời Thái tổ, Thái tông da trống cũng mốc xanh như bây giờ. Không
phải người ta đốt thang, giấu dùi và rải lính canh nghiêm ngặt, mà vì dân
tình không có ai bị oan ức tới mức phải kêu cầu, để cất công về kinh sư gõ
trống.
Ấy thế mà một buổi sớm kia, khi tam cung lục viện dang im ắng, thì
bỗng tiếng trống từ Viện đăng văn hối thúc đến náo loạn cả kinh thành. Các
quan đình úy, tự khanh, thiếu khanh và ngay cả tốp lính canh lầu trống cũng
nhìn nhau ngơ ngác đến hoảng loạn. Vì lầu trống, không những vẫn có quân