Tránh khoe khoang sự bận rộn
Một công việc thường xuyên của tôi là đi nhiều nơi diễn thuyết về
phương pháp giảm nhẹ căng thẳng, gia tăng hạnh phúc và vượt qua
được những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Trong những chuyến
đi như vậy, tôi thường được mời tham dự các buổi họp mặt, chiêu đãi
cả trước và sau buổi diễn thuyết. Những buổi tiệc đó có rất nhiều
người tốt bụng, ân cần và tài giỏi. Tuy nhiên, sau nhiều lần quan sát,
tôi nhận thấy một khuynh hướng không mấy tốt đẹp đang gia tăng ở
nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Và tôi gọi khuynh hướng đó
là “khoe khoang sự bận rộn”.
“Khoe khoang sự bận rộn” nghĩa là bạn cố ý bày tỏ cho mọi người
biết rằng mình bận rộn đến mức độ nào và làm việc cật lực ra sao.
Bạn lấy nó làm chủ đề chính của câu chuyện, như thể mình sẽ được
phong cho một danh hiệu cao quý nếu làm việc quá sức, thiếu ngủ, có
rất ít thời gian (nếu không muốn nói không có thời gian) cho cuộc
sống cá nhân. Tôi đã nghe hàng trăm người kể lể về thời gian biểu
làm việc dày đặc và những đêm thức trắng vì công việc, về khoảng
thời gian ít ỏi dành cho vợ/chồng, con cái hay những kỳ nghỉ ngày
càng ngắn của họ.
Ngày nay, “khoe khoang sự bận rộn” không chỉ giới hạn ở những
nhân viên làm việc trong các công ty hay tổ chức mà đã trở thành một
thói quen xấu phổ biến khắp nơi.
Tất nhiên, tôi không cố ý phủ nhận mức độ bận rộn, khó khăn đã
chi phối công việc của bạn – vì bản thân tôi cũng có những lúc như
vậy. Nhưng việc bạn luôn kể lể về sự bận rộn chỉ làm gia tăng cảm
giác căng thẳng của bạn mà thôi. Nó khiến bạn càng để ý đến các khía
cạnh tiêu cực của cuộc sống và tiếp tục vướng vào trăm ngàn mối bận
tâm khác.
Nếu dừng lại suy ngẫm, hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng “khoe
khoang sự bận rộn” là chủ đề trò chuyện nhàm chán và thiếu tính xây
dựng. Tôi đã quan sát nhiều người trò chuyện với nhau về đề tài này
nhưng chưa từng thấy ai tỏ vẻ hài lòng sau đó. Thông thường, mọi
người lắng nghe bạn (nếu bạn cho rằng họ đang lắng nghe) chỉ để đợi
đến lượt họ kể chuyện của mình. Sự thật, “bận rộn” là đề tài quá cũ kỹ