Vào tháng Một năm 1636, giá tơ rất hạ ở Đàng Ngoài và chỉ có 45 lạng
một tạ. Nhưng vì có ba chiếc mành Bồ Đào Nha đến hai chuyến, một
chuyến vào cuối tháng Một năm 1636 và một chuyến vào ngày 15 tháng
Hai năm 1637, nên giá tơ lại lên 60 lạng một tạ rồi. Chúa Trịnh đã thâu
nhận số tiền bốn vạn lạng của người Bồ Đào Nha đem đến và hứa sẽ tìm đủ
số tơ cho họ. Trong số bốn vạn lạng nói trên có ba mươi hòm tiền bạc Nhật
Bản tiếng Hòa Lan gọi là Schuitjes hoặc Schuitgeld.
Chúa Nguyễn và chúa Trịnh vốn thân thích. Ta nên nhân dịp chiếc Grol
thăm xứ Đàng Ngoài để dò hỏi một cách kín đáo xem chúa Trịnh có vàng
và có thể giúp cho ông ta lấy lại số 2 vạn 3 nghìn 5 trăm 80 reales
chiếc thuyền Grooten brock chở; số tiền ấy khi thuyền đắm đã cứu được
nhưng lại bị dân xứ Quinam chiếm giữ rất trái phép. Việc này cần phải điều
đình khéo léo và kín đáo mới được, không nên nói thẳng cho chúa Trịnh
hoặc một vị đại thần nào biết, vì ở triều đình Thăng Long có tin tức gì thì
trong Quinam đã được mật báo rồi. Và nếu chúa Nguyễn biết chuyện chúng
mình vận động, thì tất cả các quan chức trong chi điếm của chúng ta ở
Quinam sẽ lâm nguy hết sức và lúc đó cái xứ tàn nhẫn ấy sẽ gây ra một bi
kịch thực”.
Ký tên ngày 12 tháng Ba năm 1637
Ngày 18 tháng Ba. - Thời tiết và gió ngược nên chúng tôi lại phải quay
mũi lại và bỏ neo gần Cửa Hàn. Sáng nay chúng tôi thấy chiếc Rurop của ta
ra khỏi vịnh Hàn.
Ngày 23 tháng Ba. - Hôm nay lại giương buồm ra Đàng Ngoài.
Ngày 26 tháng Ba. - Hôm nay chúng tôi đến 17 độ 2 phân bắc vĩ độ. Và
chạy theo hướng Tây Bắc và Tây Tây Bắc. Chúng tôi thấy một hòn đảo.
Ngày 27 tháng Ba. - Thuyền theo hướng Tây Bắc và đến 17 độ 49 phân
bắc vĩ độ. Chúng tôi đặt tên hòn đảo (trông thấy từ hôm qua) là đảo Grol.
Hiện giờ thì thuyền đang chạy giữa đảo này và hai mũi bổ. Đảo không thấy
ghi trên địa đồ của ông thuyền trưởng Hendrik Arendsz.