Chúng tôi xin phép tải ra ngoài 1, 2 thuyền gạo khi nào thương hội cần
đến, chúa trả lời rằng chúa không ngăn cấm.
Ngày 16 tháng Năm. - vẫn phải cãi nhau với các ông cai bộ về giá tơ.
Người Hòa Lan nói rõ ý định sửa soạn khởi hành chỉ để lại ba bốn người,
để nhận chỗ tơ chúa bán. Chúng tôi nhắn viên thuyền trưởng cho đánh lên
Kẻ Chợ một chiếc đò, kèm thêm hai khẩu súng.
Ông cai bộ trưởng ra lệnh cấm nhân dân mua hàng của chúng tôi.
Ngày 17 tháng Năm. - Chúa triệu chúng tôi vào. Đến trưa thì chúng tôi đi
với bà Ouru san vào phủ, có tải theo hai mươi hòm bạc. Bạc đem cân: tệ
quá, mỗi một... bạc, họ lấy dư ra một hai ms (maas?). Chúng tôi phản đối
cũng chả ăn thua.
Chiều đến, chúa ngự ra điện, ăn yến và xem các vũ nữ ăn mặc xinh đẹp
múa. Chúng tôi lại xin chúa cho phép - như chúa đã hứa - vào nhà dân gian
để mua tơ cũng như người Nhật Bản. Chúa lại trả lời với bà Ouru san theo
điệu cũ: “Chúa có cấm dân gian bán và có định giá tơ của dân và các quan
cai bộ bán bao giờ đâu, chúa cho rằng người Hòa Lan ít kiên nhẫn, và còn
nhiều thì giờ để mua tơ mà ngày nào dân cũng chở tơ mới quay được đến,
chừng năm sáu hôm nữa số tơ đó sẽ nhiều vô số. Chúa cho rằng chúng tôi
đáng lý ra phải vừa lòng rồi. Và chuyện tơ hãy xếp lại để bàn khi khác”.
Thượng đế làm cho tình thế chúng tôi tốt hơn. Ngày nào cả chúa lẫn các
quan cai bộ cũng đem lời nói dối và nói gạt để chúng tôi tin. Và mãi sau
này chúng tôi mới biết rõ kết quả của những sự phỉnh phờ ấy.
Tối đến thì trong phủ chong đèn và các vũ nữ lại múa; đến chín giờ thì
chúng tôi kiếu từ về quán trọ. Chẳng thêm được điều gì về sự mua tơ, bây
giờ chúng tôi mới biết chắc rằng hễ không làm cho quan cai bộ trưởng vừa
ý, thì chẳng mua bán gì được cả; họ đã có ý định bán tơ giá thật cao cho
chúng tôi thì ắt chúng tôi phải mua cao; họ nói thẳng ý định ấy ra, ít nhiều
lần cho chúng tôi biết.