“Seo Ly, bông hồng rừng thơm ngát”. “Hòn ngọc nơi biên ải: Seo
Ly”. “Người đẹp huyện xa: Seo Ly”. “Seo Ly, một cuộc đổi đời”. “Seo Ly -
trà hoa nữ”. “ Seo Ly, hoa hậu xứ Mèo”. “Seo Ly - chứng nhân lạc quan
của lịch sử bi hùng”. Liên tiếp trên các trang báo tỉnh và trung ương là các
bài viết về nàng. Sau các bài báo là thơ. Có đến một chục nhà thơ chưa hề
đến đất này mà lại có thơ về Seo Ly, tặng Seo Ly. Đến nỗi thi sĩ huyện lẻ,
kỹ sư canh nông Quốc uất tức, phải nghiến răng ken két: “Toàn là bọn nhà
thơ rởm. Họ có sự dồn tích và khai phóng, thăng hoa như ta đâu!”.
Seo Ly thực sự đã bước sang một khúc ngoặt mới của đời người. Nàng
được bổ sung vào Ban chấp hành huyện hội. Đại hội năm sau nàng trở
thành phó chủ tịch. Rồi nàng vào Đảng và hết kỳ dự bị thì được bầu làm ủy
viên dự khuyết huyện ủy.
Là kẻ có công đầu phát hiện, nay thấy Seo Ly thăng tiến vậy, lẽ ra ông
Páo phải vui lắm. Nhưng trái lại, ông cứ lì lì. Có anh kích ông: “Tiếc công
đắp đập be bờ...”. Ông cũng im thít. Chỉ có rượu mới cậy được miệng ông.
Ông đập đít chén, chửi:
- Chung cào nả
, thằng Tráng khôn quá con cáo!
Bạn rượu hỏi. Ông hất hớp rượu vào họng, chép môi:
- Uống rượu thì cả hai thằng cùng say chứ, sợ gì!
Khẩu khí như vậy chứng tỏ ông Páo coi xoàng ông Tráng. Mà cũng
phải. Đồng tuế, đổng khóa. Thuở còn đi học trường Đoàn, đêm đêm rủ
nhau đem sáo đến thổi ở đầu hồi nhà mấy bà góa, bị chó đuổi cắn rách ống
quần, như nhau thôi. Có gì mà lạ nhau, đằng sau cái áo chức vị nhỉ?