huyện vô cùng mẫn cán và độc ác là cả một máy quan liêu với đầy đủ các
ban bệ và hai tiểu đội lính cơ súng ống sẵn sàng và thiện chiến. Vậy mà rốt
cuộc chỉ một ngày một đêm, bộ máy áp chế nọ cũng tan tành thành tro bụi.
Chẳng một câu chỉ thị, không một tờ truyền đơn kêu gọi, chẳng một phái
viên của cấp tỉnh, cấp huyện nào về tuyên truyền thúc giục, trai tráng trong
làng, nghe hơi nồi chõ, nhận ra tình thế, cầm đầu là ông Chí và mấy người
nữa, tự động kéo nhau đến bao vây huyện đường, chia nhau người cửa tả,
kẻ cánh hữu, nghe hiệu lệnh chống cướp của hương ước, vác mã tấu nhất tề
xông vào, giải giáp vũ khí của lính cơ, bắt trói tri huyện cùng các viên lục
sự, giải lên nộp cho Việt Minh huyện. Rồi sau đó, cuối năm 1946, cũng
chẳng có ai kêu cầu bảo ban, ông Chí cùng năm sáu anh trai làng nữa dông
ra Hà Nội gia nhập chi đội Vi Dân làm cuộc Nam tiến hỗ trợ đồng bào miền
Nam chống quân xâm lược Pháp gây hấn trở lại. Còn bây giờ, thì khắp nơi
trên địa cầu, từ Hoa Kỳ, Canada Tây bán cầu đến Anh, Pháp bên châu Âu,
Iran, Iraq miền Trung Đông đất khét mùi dầu lửa; còn trong nước thì từ Sài
Gòn, tứ giác Long Xuyên đến Đồng Văn, Quản Bạ xa xôi. Nơi nào cũng có
cư dân là người làng ông, dân giang hổ tứ chiếng, nổi danh táo tợn.
Vỡ mặt trận Tuy Hòa năm 1947, ông Chí kể, tôi dạt lên Tây Nguyên
và ở đó suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Thoạt đầu là cán sự tỉnh
đội, chuyên huấn luyện dân quân du kích địa phương, một thời gian dài, sau
hạ phóng làm khu trưởng vùng đồng bào Ba Na, xây dựng cơ sở cách
mạng, lập làng chiến đấu vừa chống giặc vừa lo sản xuất cứu đói, nuôi dân
nuôi bộ đội, thôi thì đủ việc bận rộn, nào khai hoang làm nương rẫy, đào
kênh dẫn nước làm thủy lợi, nào dạy đồng bào dùng trâu kéo cày làm
ruộng, trồng lúa nước... Năm 1950 bộ đội tiến lên chính quy, vì đã từng là
anh thợ kỹ thuật ngành dệt, nên ông Chí được điều động trở lại đơn vị tập
trung. Từ đây, ông như con dao pha, chức trách liên tục đổi thay, lúc làm
giáo viên trường hậu cần quân khu, khi đóng vai chủ nhiệm quân giới, chủ
nhiệm chính trị trung đoàn. Năm 1954, hòa bình lập lại, tập kết ra Bắc, ông
được cử đi tham gia cứu đói ở khu Ba. Năm ấy đói đến mức dân nhiều
vùng phải hái lá dâm bụt ăn thay cơm. Tiếp đó ông tham gia chiến dịch