của cô gái cả. Thêm nữa, và đây là một lý do đặc biệt, ông còn muốn chia
tay cô giáo Loan.
Phải rồi. Ông rất cần gặp cô giáo Loan để chia tay. Tại sao hôm ấy
đang đánh cầu lông bác lại bỏ về? Tôi không quen. Con người tôi không
phải sinh ra để đứng ở chỗ ấy. Bác đã đọc cuốn sách em tặng chưa? Mới
đọc được vở Ôtenlô. Tôi thích ông này, trừ tính ghen đến độ độc ác của
ông. Đã dự phòng cả những điều ngóc ngách câu chuyện có thể sẽ nói với
nhau như thế rồi, chỉ còn chờ cơ hội thôi.
Không có cách nào có thể xoay chuyển tình hình nữa rồi, nhưng sau
ngày gặp mặt chàng rể tương lai, với ông việc gặp cô giáo Loan trước khi
lên đường tiếp tục cuộc phiêu du thực hiện sứ mệnh vừa cao cả vừa lãng
mạn vừa mang tính hoang tưởng của ông, càng lúc càng trở nên vô cùng
khẩn thiết còn vì một nguyên do là ông không thể tiết lộ với ai.
Thế đấy, cái đời sống tinh thần của con người ta! Cái cuộc sống ấy âm
thầm mà đa tạp và diễn tiến thật lắm bất ngờ! Bất ngờ vì trong những ngày
này ông đã có những giấc mơ, những giấc mơ kì lạ chưa bao giờ có. Ông
vốn là loại người nằm ngủ không mơ. Nhưng tình hình đó đã khác lắm rồi
từ ngày ông thực hiện cuộc phẫu thuận tim mạch can thiệp qua da. Và đây
là một giấc mơ chính ông cũng không thể ngờ. Vì hóa ra giáo sư Trần Quán
Anh, tổ sư của môn Nam học đã có những kiến giải vô cùng là chính xác.
Tuổi xấp xỉ bảy mươi vẫn còn là một suối nguồn tươi trẻ, nghĩa là cây cổ
thụ vẫn còn có năng lực trổ hoa. Dưới cái vẻ khắc khổ khô kháo của ông,
vẫn rì rào tuôn chảy mạch sống ái tình. Tựu trung ông vẫn sở hữu một
nguồn sinh lực dồi dào. Hay thực sự là ông mới trở lại tuổi thanh xuân từ
lúc dọn nhà về đây và trở thành người hàng xóm bên tả của cô giáo tươi
đẹp nhân hậu nọ. Cái đẹp bao giờ mà chẳng có sức lan truyền, tái sinh. Như
cảm giác ông nhận ra buổi đánh cầu lông với bên kia là cô giáo Loan đó
thôi! Chao ôi, thế thì hoàn toàn có thể giải thích một cách rất hợp lý về
những giấc mơ liên tục xảy ra trong mấy đêm gần đây của ông. Phơrớt, ông