giờ cho vay cho mượn bất cứ cái gì. Và đùng có trò chuyện nhỏ to tâm sự
với lão. Lão bủn xỉn, có tính gian, hay thóc mách và lố bịch lắm!”.
Quả nhiên, vừa thấy mặt tôi, ông Tương Bằng đã lên mặt cha chú, hất
hàm hỏi tuổi tôi, rồi buông một câu thật khinh nhờn: “Còn kém tuổi con gái
tớ!” Tôi im. Với các vị cao niên, các bậc lão thành cách mạng tốt nhất là
kính nhi viễn chi.
May là tuy ở cùng buồng, nhưng tôi và ông Tương Bằng ít khi giáp
mặt nhau. Tôi đi làm thì ông ở nhà. Ngoại trừ buổi đêm, còn tôi về buồng
cũng chẳng mấy khi gặp ông. Ông đã quá tuổi hưu trí, giờ đang nghỉ chế
độ, làm thủ tục để lĩnh sổ. Thực ra thì ông phải nghỉ hưu cách đây bảy, tám
năm rồi. Nhưng có khúc mắc gì đó nên cứ dầy dưa lần lữa, nửa như chờ
nghỉ, nửa như vẫn còn đang đi làm. Và tiếng là đang nghỉ chế độ mà cứ bận
rộn hết việc này đến việc khác, cứ như là đang còn tại chức vậy. Ông đi
suốt. Đến bệnh viện khám sức khỏe tranh thủ lĩnh ít thuốc bổ thì chẳng nói
làm gì. Bận rộn là gần như ngày nào ông cũng có việc đến gặp hết vị chức
sắc này đến ngài thủ trưởng đơn vị kia, và trở về thì mặt mũi lúc nào cũng
đầy khí giận, chí ít cũng rầu rĩ bực dọc, không hề có cái vẻ thảnh thơi của
người đã hoàn tất trách nhiệm, giờ thong dong hưởng thụ sự thanh nhàn.
Mỗi người mỗi việc, mỗi tuổi mỗi tính, tôi mặc ông. Kể cả những lúc
ông gây điều khó chịu cho mình. Chẳng hạn, ông rất hay tọc mạch dò hỏi
quan hệ của tôi với Giang, nữ bác sĩ. Chúng tôi yêu nhau là phải tường
trình với ông chắc? Chẳng hạn, đêm chẳng mấy khi ông yên giấc. Khậm
khoặc ho. Khạc nhổ hên hổi. Rên rẩm và nói mê ầm ĩ. Hút thuốc lào sòng
sọc. Đánh trung tiện liên tục. Chưa kể mỗi đêm là bảy tám lần đái tồ tồ vào
cái bô để ở gầm giường. Gầy còm, nhưng ông ham ăn và ăn khỏe lắm. Lót
dạ phải hai gói mì tôm. Mỗi bữa một bò rưỡi gạo. Ông sống chẳng mấy khi
yên ổn với mọi người. Vài ngày, buồn thế, tôi lại phải chứng kiến một cuộc
đôi co, thậm chí cãi cọ đến mức văng tục giữa ông và một đồng nghiệp. Mà
toàn là chuyện nợ nần, vay mượn nhau từ đời tám hoánh nào; ông nói thế