ban nhân dân huyện. Sắc đẹp và tên tuổi nàng từ lâu đã lưu truyền và trở
thành một trong những truyền kỳ đặc sắc nhất trong vùng. Giàng A Páo ba
mươi lăm tuổi, sức vóc vác nổi một con ngựa hai tuổi, là chủ tịch huyện,
nhân một lần về thăm vùng lúa mì thí điểm trên bản Y Tí quê Ly, gặp Ly
liền tì đầu gối ký quyết định tuyển nàng ngay về làm nhân viên cơ quan
hành pháp tối cao của huyện nhà. Tư chất nàng, vẻ đẹp của nàng đáng đặt
nàng vào những ngôi vị sang trọng nhất trong thang bậc xã hội này. Xoàng
ra, nàng cũng có thể làm phó chủ tịch, làm ủy viên ủy ban phụ trách văn xã,
hoặc diễn viên văn công. Tiếc thay nàng mới võ vẽ biết đọc và chẳng có
năng khiếu gì. Chủ tịch Páo quát: “Làm sang cái cơ quan ủy ban mà không
đáng giá à!”. Nói vậy thôi; chứ thiếu gì việc. Cuối cùng; êm thấm nhất;
nàng giữ chân văn thư đưa gửi và tiếp nhận công văn. Và như vậy, ngày hai
lần, sáng là chín giờ và chiều là hai giờ, nàng giương ô, rời văn phòng với
cái túi nhỏ trên vai đi tới trạm bưu điện ở cuối phố và lát sau, từ đó nàng trở
về. Đi năm trăm mét. Về năm trăm mét. Quãng đường đủ để Ngôn bám gót
và biến ngay thành một gã si tình.
Chả ngày nào gã bác sĩ không theo đuổi nàng. Thoạt đầu thì khoảng
cách còn rộng. Sau thu hẹp dần. Và càng lúc hắn càng sôi sục, càng mê
muội, càng giống một kẻ ở trạng thái thăng đồng. Giọng ngào ngạt, hắn
nói:
- Làm sao mà có thể sống bình thường khi ở gần nàng được nhỉ? Nàng
tỏa ra một từ trường lôi cuốn. Nàng hút hồn tôi. Nàng thôi miên mỗi chi tiết
trên phố xá! Con ngựa tỉnh ngủ. Cái cối đá tự quay. Cả lớp rêu xanh màu
kim khí bám trên bờ đá cũng khởi sắc. Tôi đứng bên nàng như đứng giữa
hai cực đối lập: sự hiện hữu cụ tượng và tính phi thực của đời sống. Nhưng,
Tống bảo sao? Nàng đã xấp xỉ tuổi bốn mươi? Tôi không tin!
Khuôn mặt bầu bĩnh đờ ra, lát sau Tống mới lẩm nhẩm: