và nói ra một cách mạch lạc như là đầu óc lúc nào cũng nghiền ngẫm về
những việc đó. Như các thuyền củ nâu, nồi đất Mùi nghe thấy Siêu nói đến
nhưng không hiểu có liên can gì đến chiếc cầu gẫy. Nàng muốn biết xem
Siêu nói ra sao, nên giục Siêu:
"Các thuyền buôn làm sao cơ anh?"
"Có chiếc cầu, họ không đi được nữa nên họ phải đỗ ở bến xóm. Nếu cầu
gẫy thì cái gì ngăn họ đi, họ sẽ xuống đỗ thẳng ở bến Phủ, như thế tiện hơn.
Canh cá riêu của cụ Yểng có ngon mấy đi nữa nhưng không giữ họ lại được
và vì ế khách quá cụ cũng đâm buồn về ở với cháu nhất là cháu cụ lại mới
đẻ được đứa con giai".
Mùi ngắt lời:
"Ồ, sao anh biết cháu cụ Yểng mới đẻ con giai".
Nàng thấy Siêu nghĩ rất đúng về các thuyền buôn nhưng nàng không ngạc
nhiên bằng thấy Siêu biết được cả cháu cụ Yểng mới đẻ con trai. Siêu đáp:
"Ấy thế, nhà bác Phiến buôn củ nâu rồi cũng đến dọn nhà lên Phủ, cả nhà
bán áo quan nữa. Rồi khối nhà cho thuê..."
Nói đến đây Siêu hơi giật mình rồi cười lên một tiếng tiếp theo luôn:
"Như thế còn ai! Cô thử tính xem. Ông Năm Bụng hai năm nữa con thi đỗ,
ông ấy cũng đi. Còn lại hoạ chăng có hai cụ Huế, bác Bút, bác Lê. Độ mười
năm sau rồi chỉ còn mình nhà bác Lê như mười hai năm trước".
Mùi có cái cảm tưởng là sự thực sau này sẽ đúng như lời Siêu nói và nàng
thấy hơi buồn.
Còn Siêu thì chính chàng, chàng không lo cầu gẫy. Chàng lại mong cho nó
gẫy. Gần một năm trời về ở xóm, chàng đã sống một quãng đời thật êm thú
ở cạnh Mùi. Bây giờ đã đến lúc chàng yêu Mùi cũng đắm đuối như yêu Chi
và tình yêu đổi ra như thế từ ngày chàng biết chắc là Mùi yêu lại mình;
nhưng mà cái tình yêu Mùi khác hẳn tình yêu Chi, nó hình như đằm thắm
và chắc chắn hơn vì chàng vừa yêu Mùi như một người tình nhân lại vừa
yêu nàng như một người bạn hoàn toàn hợp với chàng.
Từ độ định ngỏ tình yêu hôm câu cá đến giờ đã hơn nửa năm, nhưng chàng
không định tâm ngỏ tình yêu một lần nào nữa. Tuy chưa ngỏ nhưng người
nào cũng biết chắc chắn là người kia yêu mình và người nào cũng biết rõ là