Giả sử có thấy kẻ này xem ra say mê hơn người kia, tận tuỵ hơn, làm việc
hết mình hơn v.v., thì cũng không thể kết luận giản dị và dứt khoát. Hoàn
cảnh mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, tình hình xứ sở mỗi nước mỗi
khác, người cầm bút đâu có thể cùng một cách thế như nhau được. Muốn so
sánh, hoạ chăng chỉ có thể nhặt nhạnh nêu lên một số sự kiện cụ thể thôi.
Chẳng hạn về việc sửa chữa của G. Flaubert. Hồi truyện viết xong, tác giả
có đưa bản thảo cho Maxime Du Camp xem. Ông bạn này nêu ra 251 chỗ
góp ý. Đối chiếu với bản in, thấy có chỗ Flaubert nghe theo, có chỗ ông bỏ
qua. Theo dõi từng phản ứng có thể nhận ra lắm điều lý thú trong thái độ,
trong quan niệm viết của ông.
Ba mươi năm sau khi G. Flaubert qua đời, D. L. Dumorest kiểm điểm và
thấy qua các bản in cuốn Giáo dục tình cảm có cả thảy 495 chỗ sửa chữa.
Có người cho rằng con số ấy còn thiếu sót. Dầu sao cái quan trọng không ở
số lượng sửa chữa mà ở nơi xu hướng sửa chữa: Flaubert thêm vào 11 chỗ,
lại bớt đi 420 chỗ; ông bỏ đi 125 chữ mais (nhưng mà), 39 chữ alors (bấy
giờ), 32 chữ et (và), 31 chữ puis (rồi thì) v.v. Suy nghĩ về những chỗ con
con như thế, có thể nhận ra đặc điểm của một văn phong; rồi không chừng
phân tích những thêm bớt, chọn lựa nọ có thể thấy chúng hàm chứa một xu
hướng đưa tới các diễn biến mới trong quan niệm tiểu thuyết v.v. và v.v.
Đây đó không phải có kẻ từng cho rằng G. Flaubert đã báo hiệu phong trào
tiểu-thuyết-mới sao?
Nhất Linh ra đi đã bốn mươi năm.
Ở đây không có ý so sánh người này với người nọ, nhưng tránh sao khỏi sự
nghĩ ngợi về thái độ của mỗi tập thể văn giới đối với mỗi văn nhân, về thái
độ mỗi thể chế chính trị đối với văn nghệ. Sau bốn mươi năm, sách của
Nhất Linh có lúc bị cấm đoán chê bai, có lúc được cho phép xuất hiện.
Nhưng xuất hiện giới hạn, từng phần. (Hiện nay ở trong nước phần được in
sau 1945 vẫn bị chôn).
Còn khối bản thảo của Nhất Linh mà bảo rằng đã được đọc, được nhận xét
thì... Tôi thấy việc làm của mình chỉ là khều vào, chứ đã xem xét suy cứu gì
đâu. Thật nhảm nhí, hài hước. Cho nên ở đầu bài viết đã có lời phân bua,
đến cuối bài vẫn còn "áy náy", lại kè nhè. Tôi mơ ước: Giá có ai đọc kỹ,