theo sách? Thì anh có học tiểu sử Nhất Linh trong sách giáo khoa bao giờ
đâu? Còn kể lể về những kỷ niệm của đời sống gia đình thân mật giữa
không khí cuộc vấn đáp ở trường thi thì kỳ cục quá.
Giả sử có cuộc khẩu vấn về tiểu sử mỗi người trước cửa thiên đình, chắc
Nhất Linh - chính ông - lẫn lộn trong đám nhân vật lao nhao của mình, sẽ
ấp úng than thở về nỗi kẹt máy liên miên, đến tàn đời. Các phán quan nhà
Trời không thể không có cảm tình đối với một phát biểu khiêm tốn như thế.
Nhưng chuyện ấy rối rắm, các ngài hẳn lấy làm khó tin.
Còn như bảo Nhất Linh chính bị mắc kẹt ngay vào cái tâm của mình, thì éo
le quá. Nói vậy được sao?
Nói về Nhất Linh, bất giác nghĩ tới một tiểu thuyết gia khác, của Tây
phương, hồi thế kỷ trước.
Mùa hè năm 1836 cậu bé Gustave Flaubert, bấy giờ 15 tuổi, tình cờ gặp bà
Schlésinger. Hình ảnh người thiếu phụ ấy ám ảnh cậu ta mãi. Bà Arnoux -
một nhân vật chính trong Giáo dục tình cảm (L’éducation sentimentale) - là
biến dạng của bà Schlésinger. Năm 1843 Flaubert bắt đầu viết cuốn Giáo
dục tình cảm, bản thứ nhất. Năm 1845, truyện viết xong, cất đấy. Nhưng G.
Flaubert thì chưa thoát khỏi sự ám ảnh của đề tài này. Ông tiếp tục đào sâu,
thu thập tài liệu, đọc sách dữ dội, tích tụ những quan sát, ghi chép hàng
ngày. Tháng 9-1864 ông khởi công viết một cuốn Giáo dục tình cảm khác.
Ngày 15 tháng 5 năm 1869, lúc 8 giờ sáng, ông ngồi vào bàn, viết luôn một
mạch tới 5 giờ kém 4 phút sáng hôm sau, tức ngày 16-5-1869, thì xong tác
phẩm. Sách được xuất bản ngay cuối năm ấy: kể từ ngày bắt đầu viết nó là
năm năm, kể từ khi bắt đầu viết cuốn Giáo dục tình cảm thứ nhất (1843) là
hăm sáu năm, kể từ ngày gặp Schlésinger phu nhân (1836) tức ngày đề tài
được "thai nghén", ôm ấp, là ba mươi ba năm. (Bản viết xong năm 1845,
tác giả bỏ qua luôn; mãi ba chục năm sau khi ông qua đời mới có người cho
in). Cuốn Giáo dục tình cảm bản chính thức được ấn hành trong lúc sinh
thời thì mỗi lần tái bản đều có sửa chữa thêm bớt liên miên. Ngay ở ấn bản
cuối cùng trước khi G. Flaubert từ trần vẫn còn thấy nhiều ghi chú tu chỉnh
của ông, chuẩn bị dành cho kỳ in tới: những chuẩn bị dở dang.
Từ nhân vật này nghĩ sang nhân vật nọ, không phải do một so sánh nào.