từ nhà nọ truyền sang nhà kia những tiếng reo mừng "Nó kia rồi!" "Đó nó
về đó rồi!" Ô tô trở về bởi vì nếu không trở về thì chỉ còn mỗi một lối là
đâm đầu xuống sông. Ô tô trở về chạy có vẻ hục hặc tức giận, nhảy chồm
chồm trên con đường gồ ghề và cố tung thật nhiều bụi vào mũi những
người dân xóm như để phạt họ và sở Lục Lộ. Dân xóm người thì lật vạt áo
che mặt, người thì nhắm mắt bịt mũi, ngậm miệng nín thở; nhưng khi xe đi
khỏi và bụi mù đã quang, họ nhìn nhau mỉm cười, trong mắt đầy vẻ vui tinh
nghịch thấy những người trên xe đã bị lừa và bị tức.
Đời dân xóm liền với đời chiếc cầu nên bất cứ một tin gì lạ về chiếc cầu
cũng làm họ thao thức và xôn xao bàn tán. Bốn năm trước có một người
làm ở sở Lục Lộ, trong lúc vui câu chuyện, đã nói là sẽ sơn lại cầu. Sơn lại
thì họ không cần lắm nhưng sơn tức là phải sửa chữa lại, dân xóm tán ra
như vậy.
"Sơn tức là phải chữa lại cầu", câu ấy ròng rã bốn năm trời vẫn được nhắc
đến luôn ở cửa miệng những người dân xóm, nghèo tiền nhưng rất giầu hy
vọng hão.
Còn duyên do vì đâu lại oái oăm bắc một chiếc cầu vô dụng và đắp một con
đường tắc tị thì không ai hiểu gì cả và sở Lục Lộ bây giờ có lẽ cũng không
hiểu nốt.
Nhưng cũng nhờ có con đường tắc tị nên mới có chiếc cầu gỗ và nhờ có
chiếc cầu gỗ nên mới có Xóm Cầu Mới.
Xóm Cầu Mới lập thành là do sự tiện lợi. Gia đình bác Lê là gia đình đầu
tiên đến ở xóm. Hai mươi năm trước, nước sông Hàn lên to và chảy xiết,
thuyền đánh cá của bác bị đắm và nhờ có chiếc cầu nên hai vợ chồng và
đứa con đầu lòng sống sót; thuyền đắm đồ đạc mất hết, trời lại mưa to luôn
mấy hôm. Nhờ có cái hốc ở cây đa nên gia đình bác Lê có chỗ tạm lánh.
Ngay đêm đầu, bác Lê gái nằm mộng thấy có một bà tiên cho bác một cành
hoa và dặn phải quét lá đa cho sạch. Cho là điềm hay, hai vợ chồng bàn đến
việc ở hẳn dưới gốc đa. Bác Lê trai mấy hôm liền ra đứng ở cầu nhặt nhạnh
các mảnh ván, tấm phên theo nước lụt trôi vướng vào chân cầu và dựng nên
cái nhà đầu tiên của Xóm Cầu Mới.
Gần đây vì cả mạn sông Hàn bên Xóm Cầu Mới được mùa luôn, nên các bà