cân gạo bên Phủ Lệ sang dựng rất nhiều quán cân gạo để đón mua trước
của những người hàng sáo từ phía đó đi đến. Vì có các bà sang cân gạo nên
mới có hàng bánh cuốn của cô Mùi, hàng cơm của bà cụ Yểng và nhờ có
hàng cơm của bà cụ Yểng mới có gia đình ông Năm Bụng bán rượu lậu.
Xóm lại gần Phủ nhưng vừa đủ xa để tiện việc nên có cả một nhà hát ả đào,
và vì tiện nước nên có cả nhà bán áo quan.
Số đông dân xóm là những người ở nơi khác vì nghèo đói phải tha phương
cầu thực rồi đến đấy thấy dễ làm ăn thì ở lại hẳn như những đám bèo giạt từ
trăm ngả nước xa trôi về vương bám vào chân cầu. Hai người ở xa nhất đến
có lẽ là hai cụ Huế Cả, Huế Hai; không biết duyên do gì hai cụ Huế nghèo
như vậy mà từ ở trong Huế xa xôi đem nhau đến ở xóm; không ngày nào là
hai cụ không cãi nhau và tiếng cãi nhau lanh lảnh bằng giọng Huế mỗi buổi
chiều đưa vang khắp xóm nghe thực lạc loài, lạ tai.
Cả xóm không có một căn nhà gạch hay nhà gỗ nào. Toàn là những nhà
tranh lụp xụp, xiêu vẹo; trông cũng cũ kỹ như chiếc cầu gỗ chỉ có cái tên là
mới. Có mỗi một nhà bà Ký Ân cân gạo làm bằng gỗ lợp ngói thì lại ở cách
xóm đến hơn trăm thước.
Cây đa của xóm người ta gọi là cây đa Cốc vì cốc ở khắp vùng thấy cây đa
cao nhất và an toàn nhất đến đậu và ỉa trắng xoá cả lá cây. Người ở các nơi
xa có việc lên Phủ thường vẫn lấy cây đa đó làm cái đích để biết được
đường còn xa hay gần. Cây đa Cốc to đến nỗi "theo lời bác Lê gái nói đùa
một cách nửa than phiền, nửa tự cao rằng sớm quét, chiều quét, quét đã gần
hai mươi năm mà chưa hết lá.