bạc óng ánh của ngài thành ra cái mũ, còn bức tượng lại hoá ra thiếu phụ.
Bản chức tự hỏi không rõ bản chức thấy cảnh tượng đó do ảo giác mà có
chăng? Bản chức cũng đã đưa thắc mắc ấy kể ra ngài hay.
Đạo sĩ Tuyên Minh cười nghiêng ngả:
- Phán quan bày tỏ thắc mắc đó với ta?
Dịch Nhân Tiết không thể nào cùng cười với Tuyên Minh được.
- Còn Mặc Đức lúc lên sân khấu đội cái mũ xưa mà bản chức nhận
thấy giống cái mũ trên đầu kẻ lạ mặt, do đó làm cho bản chức nghi ngờ,
nên đặt vấn đề theo đuổi hắn. Còn một điều này nữa mà bản chức chưa hiểu
được là tại sao cánh cửa phía bên mặt ở bên ngoài lại không trông thấy
được? Có phải là cánh cửa mà tối qua bản chức đã nhìn thấy, có phải như
vậy không?
- Lẽ dĩ nhiên. Nhưng đó chỉ là một cánh cửa giả. Ồ! Đừng cho ta đã có
sáng kiến cho xây cánh cửa đó. Sự thật cánh cửa ấy đã có từ lâu, từ khi ta
khám phá ra căn phòng bí mật này. Tầm màn, như ngài nhìn thấy nằm bên
trong, bên ngoài là một miếng giấy dầu treo ngang với bức tường, được tô
vẽ bắt chước giống màu gạch. Nói tóm lại, đó là một bức hoạ trong suốt,
ban ngày mở màn ra, căn phòng vẫn sáng mà sự thật thì không ai thấy gì ở
bên trong cả.
Đạo sĩ Tuyên Minh im lặng một lát, nói tiếp:
- Phải. Ta nhớ ra rồi! Tối qua, ta muốn có ít chút không khí lọt vào. Ở
phía này, chúng ta có thể tránh được gió mà không sợ bị dòm ngó vì tất cả
các màn cửa ở cánh phía đông đều đóng kín để tránh cơn giông.
Đến khi ta nghe giông bão làm rớt một bức màn, thì ta vội tìm cách đóng
cửa lại - lẽ dĩ nhiên ta đã không lanh tay - kể ra đó cũng là một sự bất cẩn
đáng tiếc.
- Nhưng ngài lại còn phạm một lỗi lầm rất lớn khi giải thích cho bản
chức hay là dấu hiệu của đạo Lão luôn luôn được chia cắt hai theo chiều
hướng thẳng đứng. Còn bản chức thì lại thấy một trong những hình tròn đó
lại bị cắt theo đường ngang. Nếu như ngài nói con đường cắt ngang đó có
thể vạch ra bất kỳ theo chiều hướng nào thì bản chức đã không thắc mắc về
sự trông thấy trên đây.