Tôi nhìn bà mẹ, bà lão nông dân vẻ mặt nghiêm trang và bình lặng, môi
mím chặt, khuôn mặt tựa hồ như đã thành đá. Trên khuôn mặt đá ấy của bà,
tôi bỗng nhận ra nét mặt của những người con. Cái khuôn này đã dùng để in
ra những cái mặt kia. Cái thân thể này đã dùng để xuất bản các thân thể kia,
các tập sách con người rất đẹp kia. Và giờ đây, nếu mẹ đã yên nghỉ kiệt quệ
nhưng cũng như cái cùi vỏ mà người ta đá rút phần thịt quả ra rồi. Đến lượt
mình, con trai và con gái, bằng chính da thịt mình, sẽ in ra những con cái
của những con người. Ở trong thôn ấp người ta không chết hẳn. Bà mẹ đã
qua đời, sống muôn năm!
Đau đớn, vâng, nhưng giản dị biết bao cái hình dòng họ ấy, trên đường
đi, nó bỏ lại từng thân xác đẹp đẽ tóc bạc trắng để qua những hóa thân của
mình, đạt tới cái chân lý nào tôi còn chưa biết.
Chính vì vậy, cũng chiều hôm ấy, tiếng chuông cầu hồn của khu làng quê
nhỏ đối với tôi không trĩu nặng thất vọng, mà là một niềm vui kín đáo và
dịu dàng. Cũng với cái giọng ấy, tiếng chuông ấy đã chứng lễ cho những
đám ma và những cuộc rửa tội, chiều nay một lần nữa nó báo tin cuộc
chuyển tiếp từ một thế hệ này sang một thế hệ khác. Và người ta chỉ cảm
thấy một niềm yên tĩnh lớn lao khi nghe hát hồi chuông hôn lễ của một bà
già tội nghiệp đó với đất.
Cái chuyển tiếp như vậy từ thế hệ này sang thế hệ kia, tiến lên chầm
chậm như là cây mọc, ấy là cuộc sống mà ấy cũng là ý thức. Một cuộc tiến
lên huyền bí biết bao! Chúng ta vốn sinh ra từ một phún thạch đang sôi, từ
một chùm sao, từ một tinh bào sống kỳ diệu mà gieo được mầm, thế mà dần
dần chúng ta nâng mình lên đến mức có thể viết những bài thơ phổ nhạc và
chúng ta cân đong được các thiên hà.
Mẹ không chỉ trao cho các con mình cuộc sống: còn dạy cho các con
một ngôn ngữ, mẹ còn trao các con giữ món hành lý nhặt nhạnh lần hồi suốt
bao thế kỷ, cái gia sản tinh thần chính mẹ được nhận để lưu trữ, cái gói nhỏ
nhắn những truyền thống, khái niệm và huyền thoại nó chính là cái khác
nhau phân biệt một Newton, một Shakespeare với con người ngu si thời ở
hang hốc.