Chợt cảnh sát trưởng lên tiếng:
— Đã tới vườn nho của Tolman.
Tiến sĩ Belling đưa tay:
— Ông cho dừng xe chút xíu.
Ông ra khỏi xe hơi, bước lại gần giàn nho, quan sát kỹ gốc, lá, chùm nho;
bứt thử một chiếc lá, vò nát, đưa lên mũi ngửi. Khi trở lại xe, ông nói:
— Giống nho Sylvaner. Nho này cho ra loại rượu vang màu trắng, rất
ngon nhưng hơi gắt.
Cảnh sát trưởng đáp:
— Ở đây người ta gọi nó là giống nho Riesling của Cali.
— Nho Riesling tại đây rất hiếm, và không phải thứ này, dù thoạt nhìn
khá giống. Tuy nhiên Sylvaner cho ra loại rượu vang rất giống với vang
vùng sông Rhin.
Viên cảnh sát trưởng cho xe chạy thêm một quãng nữa, rồi ngừng ngay
trước một toà nhà lớn bằng đá xám nằm trên đỉnh đồi. Tại đây, Henry
Tolman, với hàng ria mép hung đỏ đang chờ họ. Anh ta mời cả hai bước vô
phòng khách, một căn phòng mát mẻ, trang trí bàn ghế kiểu cổ, trên tường là
những tấm ảnh chụp gia đình đã ngả màu vàng, và rèm cửa sổ viền đăng-ten.
Sau vài câu chuyện chung chung về rượu vang, câu chuyện chuyển một
cách tự nhiên sang rượu vang của Tolman, và Henry tuyên bố:
— Tiến sĩ Belling, ông có thể nói lại với chủ nhân của ông rằng vườn nho
của chúng tôi đã có từ lâu lắm rồi. Cha tôi cất rượu vang cũng từ lâu lắm rồi,
từ thời kỳ rượu còn bị cấm – và toàn rượu ngon. Tôi nhớ ngay trước khi tôi
lên đường sang châu Âu, cha tôi để một ít chai vang vô hầm mà theo ông, đó
là năm nho Riesling được mùa chưa từng thấy tại nước Mỹ. Để tôi xuống
hầm xem thử liệu có tìm được một chai rượu loại ấy hay không mời các ông
nếm thử. Tôi vẫn còn nhớ chính tôi đã dán nhãn mấy chai ấy.
Khi Tolman rời phòng, viên cảnh sát trưởng nháy mắt với Belling: