CÔ GÁI MUỐN ĐẾN VENICE
Đồ đạc trong căn phòng suite của khách sạn 5 sao Carpaccio, Venice, quả
là lộng lẫy: chụp đèn Thổ Nhĩ Kỳ, tranh treo trên tường tuyệt đẹp, màn bằng
nhung, đồ gỗ theo kiểu Louis XVI… Đã thế Jemima Shore vừa nhận phòng
đã thấy bồi phòng mang lên một bó hoa tươi và chai rượu sâm-banh do quản
lý khách sạn gởi lên biếu cô nữ thám tử nổi tiếng mà đài truyền hình Venice
vừa phát sóng này.
Có tiếng chuông. Cô mở cửa, nghĩ chắc bồi phòng lại mang lên thêm thứ
gì nữa, nhưng hoá ra không phải. Một thanh niên tóc đen, mắt đen, khá điển
trai, ăn mặc lịch sự, dứt khoát không phải nhân viên phục vụ khách sạn.
Khách lạ rụt rè:
— Thưa Jemima Shore, thám tử? – Cô vừa gật đầu, khách tiếp – Chị phải
giúp tôi. Cảnh sát. Chị phải thuyết phục họ giúp tôi. Chị thấy đấy, đó là ý
của cổ. Cổ cứ muốn đến Venice.
— Nhưng chuyện gì? Cổ nào?
— Tôi tên Harry Hewling, diễn viên kịch – Anh ta làm như tên của anh ta
đủ giải thích hết mọi chuyện – Tôi… tôi ở phòng kế bên. Tôi thấy chị ở ban-
công và nhận ra chị ngay nhờ coi truyền hình. Tôi đang hưởng tuần trăng
mật. Nhưng rồi vợ tôi, Nadia, bỗng biến mất. Cảnh sát cứ đổ riết bắt tôi phải
chịu trách nhiệm.
Nói đến đây, Harry rút tờ báo đưa cho Jemima. Mặc dù chỉ lõm bõm tiếng
Ý, Jemima cũng hiểu được tít trên trang nhất: “Cô ta ở đâu, cô dâu người
Anh mất tích này? Liệu cô ta đã chết hay còn sống?”.
Và Harry kể tóm tắt cho Jemima đầu đuôi câu chuyện.
Harry và Nadia vừa kết hôn, tại Anh, sau khi mới quen biết nhau một
tháng, “nhưng chúng tôi yêu nhau ngay khi lần đầu gặp nhau. Tiếng sét ái
tình. Và cưới nhau liền do Nadia cô đơn. Cô ấy từ Nam Phi đến và cha mẹ