Không biết các ngài có cảm thấy một điều cần thiết như tôi – mà cần
thiết không phải cần thiết một phần, không phải cần thiết chỉ trong
một thời do vì bất ngờ các ngài gặp phải một hoàn cảnh nào đó mà
cần thiết tuyệt đối, từ lúc ta suy xét đến đấy tới dĩ chí hết cuộc đời ta
– cần thiết chẳng nên đeo mang bất cứ một vấn đề nào cả. Nếu ta
nhận thấy sự cần thiết ấy, không phải nhận thấy trong trừu tượng,
mà nhận thấy rõ rệt như ta nhận thấy sự cần thiết của món ăn vật
uống và của không khí tươi mát, thì sự nhận thức như vậy thành là
cái cội nguồn cho các động tác của ta vừa trong tâm thức vừa trong
vật lý thường nhật. Cái cần thiết đó phải hiện diện trong mọi việc ta
làm, mọi điều ta nghĩ, và mọi điều ta cảm.
Vậy sự thoát ly mọi vấn đề là điều chúng ta quan tâm lưu ý – ít ra là
trong buổi họp sáng nay. Có lẽ mai này ta sẽ đề cập bằng một cách
khác, nhưng không can hệ chi: chỗ quan trọng là có nhận thấy rằng
cái tâm thức xung chướng là cái tâm thức phá hại, vì nó cứ thường
xuyên thất thế bại hoại. Sự thất thế bại hoại của tâm thức không
phải do ở chỗ già nua tuổi tác – hay ở chỗ niên thiếu trẻ trung – mà
bại hoại nảy sinh khi tâm thức bị rối loạn với nhiều xung chướng
đích thị là mầm giống của những cơ bại hoại và những cuộc mục
nát. Nếu các ngài nhận thấy điều ấy, thì câu hỏi đặt ra tất là như vầy:
làm sao giải trừ được trạng thái ấy. Nhưng trước tiên tự mình phải
nhận thấy chân lý này: Hễ còn đeo mang một vấn đề thuộc bất cứ
loại nào, ở bất cứ giai tầng nào, trong bất cứ thời hạn bao lâu, thì
tâm thức không thể có tư tưởng tỏ suốt được, không thể nhận thấy
các sự vật đúng y các sự vật, nghĩa là thấy một cách táo bạo, thấy
một cách tàn nhẫn, tuyệt không xúc động gì cả, tuyệt không hề tự
lấy làm tủi phân thương thân.
Phần đông chúng ta đã quen thói trốn tránh ngay khi một vấn đề vừa
xuất hiện, ta thấy rất khó sống cùng với nó, khó quan sát nó thôi,
không phải diễn dịch, không phải chê bỏ hay so sánh, không tìm
cách biến đổi nó hay chen xen vào đấy bằng cách này hay cách
khác. Việc này đòi hỏi một sự chú ý trọn vẹn; nhưng với chúng ta thì
có gì nghiêm trọng để cho ta chú tâm trọn vẹn đâu. Chúng ta sống
thiển cận và chúng ta dễ tự mãn với những lối ứng đáp dễ dàng, với