1.
Buổi hôm nay tôi muốn mở đầu câu chuyện là lưu ý các ngài về chỗ
quan trọng phi thường của sự tự do. Phần đông chúng ta không
muốn tự do. Có thể có gia đình, có những trách nhiệm, có những
bổn phận, và cuộc sống của ta đều gồm toàn những điều đó. Những
luật lệ xã hội, những phép tắc luân lý đã phủ vây đời sống chúng ta.
Chúng ta gánh nặng biết bao khó khăn thường nhật cũng những vấn
đề của ta, và nếu có tìm được chút an ủi nào, phương cách nào để
tránh được những xung chướng và những khổ não ấy thì ta đã lấy
làm tự mãn một cách quá dễ dãi rồi. Phần đông chúng ta không hề
muốn được tự do gì cả. Đối với tôi, dù cách nào, lối nào, chiều độ
nào đi nữa, dường như một trong những điều cốt yếu của cuộc sống
là phải khám phá làm sao cho mình được hoàn toàn tự do, được tự
do trọn vẹn. Nhưng có cách nào làm tâm thức con người – đã bị qui
định trước quá nặng nề, đã bị trói buộc lệ thuộc quá chặt chẽ vào
những công việc hằng ngày, đã bị chất đầu, quá đầy những nỗi sợ
hãi xao xuyến, đã quá đỗi hoang mang về tương lai và quá đỗi thuỷ
chung như nhứt trong việc cầu an – có thể nào tâm thức như vậy
mà phát khởi được nơi chính nó một cuộc chuyển hoá tận căn đế,
một cuộc chuyển hoá chỉ có thể phát sinh từ sự tự do triệt để mà
thôi chăng?
Tôi thiết tưởng mỗi người trong chúng ta nên lưu tâm thật sự vào
vấn đề ấy, ít ra là trong khi nghe những buổi nói chuyện này. Chúng
ta phải tìm xem, không phải chỉ ở mặt ngôn từ, mà phải đào sâu ý
nghĩa của chúng để nhập sâu vào tự thể mình, tìm xem coi chúng ta
thực sự có thể được tự do hay không. Không tự do thì không thể
nào thấy rõ được đâu là chân lý và đâu là sai lầm. Không tự do thì
cuộc sống không có chiều sâu; không tự do thì chúng ta chịu nô lệ
tất cả mọi ảnh hưởng, mọi áp lực xã hội, và vô số những yêu sách
thúc bách cứ dồn dập liên miên vào chúng ta.
Trên cương vị cá thể, có thể nào chúng ta thực sự thâm nhập tự thể,