thời đại, điều động hạm đội và sắp đặt kế hoạch đánh bại một hạm đội địch
hùng mạnh ngay từ những phút giao tranh đầu tiên. Ðấy là một nguồn cảm
hứng vô biên đã giúp phát triển tài năng của chính Isoroku mau lẹ nẩy nở,
để trở thành một đại đô đốc, một chiến lược gia đại tài như chính đô đốc
Togo. Trận hải chiến Ðối Mã cũng gây chấn động khắp thế giới. Ðây là lần
đầu tiên người da vàng đánh bại người da trắng. Người Á Châu rất phấn
khởi trước chiến thắng vẻ vang của một dân tộc da vàng như mình, và giảm
bớt mặc cảm đối với người da trắng. Còn người tây phương thì bắt đầu
gờm người Nhật.
Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đứng ra hòa giải giữa Nga và Nhật
trong hòa hội Portsmouth. Ngày 5-9-1905, hòa ước Portsmouth được ký
kết, với các điều khoản sau đây:
1. Công nhận quyền tối thượng của Nhật Bản về chính trị, quân sự và kinh
tế tại Cao Ly.
2. Nga Sô phải nhượng lại các quyền lợi của Nga Sô cho Nhật Bản tại bán
đảo Liêu Ðông.
3. Các đường hỏa xa tại miền nam Mãn Châu trước kia của Nga Sô nay
thuộc về Nhật Bản.
4. Miền nam đảo Sakhalin từ vĩ tuyến 50 thuộc quyền của Nhật Bản.
5. Cả Nga Sô và Nhật Bản phải rút quân đội khỏi Mãn Châu, nhưng được
quyền giữ quân để canh phòng các đường hỏa xa.
6. Nga Sô và Nhật Bản không được ngăn cản việc phát triển thương mại và
kỹ nghệ của Trung Hoa tại Mãn Châu.
7. Các đường hỏa xa tại Mãn Châu chỉ được khai thác về phương diện
thương mại và kỹ nghệ, và không được xử dụng cho các mục đích quân sự.
Nhật Bản có vẻ thắng thế trong hòa hội Portsmouth, đạt được một chỗ đứng
quan trọng tại Viễn Ðông. Tuy nhiên giới quân phiệt Nhật không hài lòng
với hòa ước đã đạt được. Ðiều quan trọng nhất mà người Nhật muốn đạt
được là Nga Sô phải bồi thường chiến phí. Nhật Bản đang rất cần nhiều
tiền để phát triển hải quân và đóng chiến hạm mới. Nhưng tổng thống Mỹ e
sợ sự bành trướng của Nhật Bản nên bênh vực Nga Sô không phải trả chiến