đóng 3 thôi. Các chiến lược gia hải quân đồng ý rằng trong một cuộc hải
chiến, lực lượng phòng thủ phải mạnh gấp rưỡi lực lượng tấn công. Nhật
Bản muốn thay đổi tỷ lệ thành 7-10, nhưng Mỹ không đồng ý, vì như thế
Mỹ chỉ còn 43% mạnh hơn. Tuy nhiên những chiến hạm mới của Nhật tối
tân hơn, có hỏa lực mạnh hơn, và chạy nhanh hơn các chiến hạm Anh Mỹ.
Năm 1931 Nhật Bản bắt đầu chiếm Mãn Châu và Yamamoto được thăng
chức đề đốc và chỉ huy ngành kỹ thuật hải quân. Yamamoto đã nghiên cứu
và chế tạo những phi cơ phóng thủy lôi, và những phi cơ có tầm bay xa.
Yamamoto cũng có công trong việc chế tạo một loại chiến đấu cơ nổi tiếng
là loại chiến đấu cơ ZERO. Năm 1934 Nhật Bản muốn hủy bỏ quy ước 5-5-
3 và Yamamoto được chọn làm trưởng phái đoàn Nhật tại hội nghị Luân
Ðôn. Yamamoto đã cứng rắn đòi chấm dứt quy ước bất bình đẳng 5-5-3.
Hội nghị Luân Ðôn kéo dài hai tháng và cuối cùng đi đến bế tắc và quy ước
5-5-3 không còn hiệu lực nữa.
Trong một bữa tiệc do người Anh khoản đãi, một thực khách hỏi
Yamamoto tại sao ông không đồng ý với tỷ lệ hải quân 5-5-3. Yamamoto
bỏ dao và nĩa xuống bàn và hỏi lại: "Tôi bé nhỏ hơn ông, nhưng ông có bắt
tôi chỉ được ăn hai phần ba thịt trong đĩa của tôi không? Ông có cho phép
tôi ăn đủ no không?"
Khi hội nghị Luân Ðôn tan vỡ, Yamamoto không đổ lỗi cho ai cả. Ông
tuyên bố người ta chỉ cần một sự phòng vệ, đó là sự công bằng và tình thân
hữu quốc tế. Các phái đoàn Anh Mỹ không tế nhị như thế, và đổ lỗi cho
phái đoàn Nhật đã làm bế tắc hội nghị. Tuy nhiên nếu hội nghị thành công,
nghĩa là quy ước 5-5-3 vẫn còn hiệu lực thì Yamamoto chắc không bao giờ
gặp lại được vợ con. Ông vốn được coi là một người thân thiện với tây
phương. Trong khi hội nghị Luân Ðôn đang tiếp diễn thì đảng Hắc Long đã
công khai chủ trương sẽ ám sát Yamamoto và phái đoàn Nhật, nếu không
hủy bỏ được quy ước bất lợi cho Nhật Bản. Trái lại, ngày Yamamoto từ
Luân Ðôn về Ðông Kinh, ông được đón rước như một anh hùng, các đô đốc
và đảng Hắc Long dẫn đầu hai ngàn người diễn hành, tung hô các khẩu
hiệu "Banzai" chào mừng ông. Yamamoto được vinh dự vào Hoàng Cung
để Nhật Hoàng Hirohito ban lời khen ngợi.