song của Hoa Kỳ trong thời kỳ đó. Khả năng kỹ nghệ của Nhật Bản rất có
giới hạn. Trong năm 1936, trên ba triệu công nhân Nhật thất nghiệp, và tài
nguyên chiến tranh của Nhật quá thiếu kém. Nhưng phe quá khích bác bỏ
những con số thống kê của Yamamoto đưa ra, và cho rằng Nhật Bản đã
chiếm được Mãn Châu là một xứ rất giầu tài nguyên như sắt và than đá;
quân Nhật cũng có thể lấy được đồng tại Phi luật tân và tại những nước
Ðông nam á khác; Mã lai á sẽ cung cấp cao su cho Nhật và dầu hỏa tại
Nam dương thừa cho nhu cầu chiến tranh của Nhật.
Công việc của thứ trưởng hải quân không đem lại cho Yamamoto nhiều
hứng thú. Trước hết phần vụ của Yamamoto là lo về hành chánh và phải
ủng hộ quan điểm của bộ trưởng. Yamamoto không khâm phục cấp trên của
mình là đô đốc Nagano, nhất là quan điểm của Nagano khác với quan điểm
của ông về sự hợp tác với Ðức và Ý. Yamamoto cực lực bác bỏ sự hợp tác
với Ðức và Ý. Ngay khi ông công du tại Âu châu, ông từ chối không thèm
gặp Hitler, mặc dầu Hitler rất muốn gặp ông, một người có nhiều triển vọng
nắm hải quân Nhật. Dần dà phe trung dung của lục quân bắt đầu thắng thế.
Ðể tránh một cuộc khởi loạn thứ hai, phe trung dung của lục quân loại trừ
hết những người bất mãn khỏi những chức vụ then chốt, và thay thế bằng
những người của phe mình. Trong dịp này, tướng Ðông Ðiều được bổ
nhiệm làm tư lệnh Quân đoàn Quan Ðông tại Mãn Châu, một chức vụ rất
nhiều quyền hành.
Khi phe của Ðông Ðiều củng cố được quyền hành rồi thì mục tiêu của họ
cũng giống như phe quá khích. Chính phủ Hirota chủ trương hòa bình và
quyền chính trị phải thuộc chính phủ dân sự càng ngày càng suy yếu. Ðầu
năm 1937, trong một cuộc tranh chấp với phe lục quân, thủ tướng Hirota
thất bại và phải từ chức. Không một chính phủ Nhật nào hoạt động được
mà không có vị bộ trưởng chiến tranh. Bộ trưởng chiến tranh do lục quân
chỉ định, và phải là một tướng lãnh. Nếu vị bộ trưởng chiến tranh đi theo
chính phủ dân sự thì phe lục quân cho vị bộ trưởng ấy về hưu ngay, và bổ
nhiệm một ông tướng khác thay thế. Nếu lục quân không đồng ý với chính