Nguyễn Vạn Lý
Yamamoto - Con Rồng Thái Bình Dương
- 13 -
Một Kế Hoạch Quá Táo Bạo
Kế hoạch tấn công căn cứ Trân châu cảng đã lóe sáng trong tâm trí
Yamamoto, ít nhất hơn một năm rưỡi trước khi cuộc tấn công bắt đầu. Sau
khi nắm chức Tư lệnh Liên Hạm đội, Yamamoto gia tăng các công cuộc
thực tập không tập phóng thủy lôi. Cuộc không tập có kết quả đến nỗi
Yamamoto nghĩ ngay đến việc dùng thủy lôi tấn công hạm đội Mỹ, nhưng
một vài đô đốc khác cho rằng việc tấn công Trân châu cảng thực là liều
lĩnh, khó thành công.
Nhưng sáu tháng sau đó, một biến cố xảy ra tại chiến trường Âu Châu giúp
Yamamoto quả quyết hơn. Tháng 11 năm 1940, một phi đoàn gồm 21 oanh
tạc cơ của Anh từ một mẫu hạm đã dùng thủy lôi tấn công hạm đội Ý tại
căn cứ an toàn Taranto. Kết quả là ba chiến hạm Ý bị đánh chìm trong khi
Anh chỉ mất có hai phi cơ. Yamamoto lập tức yêu cầu các tùy viên hải quân
Nhật tại Âu Châu phải gửi ngay các báo cáo về vụ tấn công này cho ông
ngay. Ông đã nghiên cứu thận trọng từng chi tiết của cuộc không tập
Taranto.
Theo các báo cáo thì quân cảng Taranto rất cạn, chỉ sâu 44 bộ và chiều sâu
đó là một trở ngại cho việc phóng thủy lôi, thế mà các phi công Anh đã
chứng minh thủy lôi có thể hữu hiệu tại những vùng biển cạn. Yamamoto
nghĩ nếu các phi công Anh thành công tại Taranto thì tại sao phi công Nhật
lại không thể thành công dùng thủy lôi tại Trân châu cảng, một nơi mực sâu
lên tới 45 bộ.
Chính người Mỹ cũng lo ngại cho Trân châu cảng qua bài học của Taranto,
và bộ trưởng hải quân Mỹ đã cảnh giác giới chỉ huy tại Trân châu cảng phải
đề phòng một cuộc tấn công bất ngờ của Nhật, bằng cách thiết lập những
hàng rào cản thủy lôi, nhưng độ đốc Kimmel, tư lệnh Hạm đội Thái bình