PHAEDRUS
PHAEDRUS thường được so sánh với Gorgias - có chung chủ đề
chính yếu, bản chất và giới hạn của hùng biện, và Yến hội - đều gồm
diễn từ xoay quanh bản chất và giá trị của tình yêu gợi dục (erôs).
Tuy gặp nhau ở nhiều mặt, Yến hội và Phaedrus vẫn khác nhau. Như
phần lớn các đối thoại của Platon, bối cảnh trong Yến hội diễn ra ở nhà
riêng trong thành phố của một nhân vật có tiếng (Agathon), vào buổi
tối và gồm nhiều bạn bè của chủ nhà tham dự; còn trong Phaedrus,
câu chuyện diễn ra trên đường, xuất phát từ thành Athens, chỉ gồm hai
người (Socrates và Phaedrus), một ưa thành phố, một thích đồng quê,
bàn chuyện tình yêu và cái đẹp. Yến hội là đối thoại dài, Phaedrus là
cuộc chuyện trò ngắn, hỏi đáp qua lại về chủ đề đơn giản. Socrates và
Phaedrus tản bộ về miền quê, vừa cất bước vừa nói chuyện huyên
thuyên.
Tình yêu là vấn đề đầu tiên hai người đề cập. Phaedrus muốn Socrates
nghe về một diễn từ mà mình hết sức thán phục, để thưởng thức, để
thấu hiểu vấn đề. Nhưng Socrates tỏ vẻ bác bỏ, bảo tình yêu đó chỉ là
sự thèm muốn thể xác. Đối với ông, tình yêu là xung lực chứa đầy cái
đẹp, cái tốt, cái hay, một loại điên rồ tuyệt vời đưa tâm hồn bay bổng
lên cao và có thể dẫn dắt tâm hồn vào con đường tiến tới sự thật.
Chuyển dịch đầu tiên tới triết học, xung lực tìm kiếm cái cao hơn,
Platon gọi là “cõi xa xôi”, đến từ chỗ đem lòng yêu cái đẹp cụ thể, cái
đẹp nhìn thấy được.
Nói tới cái đẹp là nói tổng quát, nói đại khái mà ai cũng có thể nói,
song thử hỏi cái đẹp là thế nào đối với người Hy Lạp thời đó thì xem