Erôs đưa con người đi từ thế giới cảm tính sang thế giới lý tính mà ở đó
biểu thị thực tại chân thực.
Bao quanh và kết nối các diễn từ là các ý kiến của Apollodorus đưa ra
trao đổi, phản biện, nhận định, góp phần không nhỏ vào đối thoại.
Về nội dung, chủ đề bao trùm Yến hội dĩ nhiên là bản chất Erôs, nghĩa
là bản chất tình yêu. Platon đi sâu vào chủ đề qua mấy diễn từ; nhưng do
bất đồng quan điểm với nhau nên các diễn giả đưa ra những nhận định hầu
như khác biệt. Qua đây, Platon muốn xác định bản chất tình yêu và bản chất
con người.
Có sự khác biệt đáng kể giữa năm người phát biểu đầu tiên, song qua
Agathon, một số điểm trình bày dường như lại tạo điều kiện để hai diễn giả
sau cùng là Socrates và Alcibiades lên tiếng. Thoạt đầu, ai cũng hiểu Erôs
là thèm muốn tình dục, điều đó hiển nhiên, thèm muốn như thế sẽ đưa tới
hệ quả khác biệt và diễn ra dưới các hình thức khác biệt, trong đó, thèm
muốn này khá hơn thèm muốn kia. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng
Erôs có ý nghĩa lớn lao hơn thèm muốn tình dục, thèm muốn tình dục chỉ là
biểu hiện giới hạn của cái sâu xa gấp bội. Eryximachus liên hệ Erôs với sự
vận hành cơ bản của vũ trụ, Aristophanes liên hệ Erôs với nhu cầu chủ yếu
của con người, nếu hoàn thành thì đó là chìa khóa mở cửa đi vào ngôi nhà
hạnh phúc. Diễn tả Erôs như chìa khóa đối với con người và vũ trụ, khuynh
hướng đạt cao điểm trong nhân định của Diotima được Socrates thuật lại.
Đến đây, Erôs được nhìn nhận như phương tiện để cụ thể hóa khả năng
tiềm ẩn cao nhất của con người trong việc hoàn tất sự hiểu biết về nguyên
tắc tối hậu của cái đẹp, đó là mục đích tối hậu của Erôs. Đến đây xuất hiện
cuộc đời thực sự thích hợp với con người. Nhưng Platon quan niệm cuộc
đời đó như thế nào? Vấn đề này khiến giới học giả Tây Âu suy ngẫm bấy
lâu, thế hệ nối tiếp thế hệ đưa ý kiến, song diễn giải thường mâu thuẫn, kết
luận kém thuyết phục.
Bố cục đối thoại khá phức tạp. Đó là chuyện trò kể lại chuyện trò, đôi
khi chuyện trò này lại gồm cả tường thuật về chuyện trò kia. Sau đối thoại