Để em xem em nhớ thầy ra sao, em sẽ viết thư về kể cho thầy hay…
Diễm
Đạt đọc lại lá thư của Diễm một lần nữa, lấy bút ghi địa chỉ của Hội, người
bạn của Diễm ở Vĩnh Bình và chàng tự nhủ: “Mình phải đi Vĩnh Bình, phải
đi Vĩnh Bình”. Đạt nhìn đồng hồ, nhẩm tính: “Bây giờ chín giờ; mười giờ
ra đi, bốn giờ đến Vĩnh Bình, ở lại Vĩnh Bình sáu giờ đồng hồ, mười một
giờ trưa mai về tới Sàigòn, vẫn còn kịp dạy học”.
Thế là, không nghĩ ngợi thêm, Đạt nhét một bộ đồ ngủ vào cặp da và đi ra
bến xe đò.
… Mãi tới ba giờ chiều, xe của Đạt mới tới châu thành Phú Vinh. Đầu tóc
rối bù, quần áo xốc xếch, Đạt gọi một cái xe lỗi thời, bảo người đạp xe già
chậm chạp đưa tới đường Thủ Khoa Huân. Chàng ngất nghểu lắc lư, xếp
chân chữ “ngũ” ngồi trên xe, lơ đãng, vui vẻ ngắm châu thành Phú Vinh
bình lặng, nằm yên dưới nắng chiều oi ả…
Nhà của Hội—bạn Diễm—là một vila kiểu cổ, có vườn cây um tùm.
Đạt vừa bấm chuông, thì một người đầy tớ gái chạy ra.
- Có phải đây là nhà cô Hội không em? Có cô Diễm ở Sàigòn xuống đây
không?
Ngay lúc đó cửa phòng mở, và Diễm mặc áo cánh, cùng một thiếu nữ khác
đi ra. Vừa nhìn thấy Đạt, Diễm kêu một tiếng “thầy” rồi đứng sững ngó
Đạt.
Nhìn khuôn mặt đỏ gay vì nắng, mái tóc bù, mờ trắng bụi đường, quần áo
lôi thôi xốc xếch của Đạt, Diễm thấy hân hoan, kiêu hãnh tràn ngập tâm
hồn, cái hân hoan kiêu hãnh của người đàn bà biết mình được yêu, được tôn
thờ, biết rằng vì mình có kẻ lận đận, sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất
cả… Trong một thoáng giây, Diễm quên phứt Đạt là thầy dạy học mình, để
nhìn Đạt, trìu mến và đắm đuối nhìn Đạt, khiến Đạt như bị ngợp vì cái nhìn
của Diễm, lặng lẽ nhìn lại Diễm, không thốt ra được lời nào… Cử chỉ và vẻ
mặt của hai người làm Hội hiểu ngay Đạt là thế nào đối với Diễm và nàng
mỉm cười nói với bạn:
- Kìa! Sao chị Diễm không rước ông vào phòng khách!
Rồi quay về phía Đạt, Hội lễ phép và niềm nở mời: