phải tiến tới, phải rờn rập tiến tới, chứ thầy cứ như người ở trên cung trăng
rơi xuống thì có cơ mất Diễm lúc nào không biết!
Đạt nhận thấy những lời cảnh cáo của Hội thật chí lý. Chàng cũng biết là
nếu mình không “tiến tới” thì sẽ mất Diễm lúc nào không biết. Nhưng
chàng tự nhủ: “Mình lần mò về tìm Diễm tận Vĩnh Bình, như thế là tiến
vượt bực rồi còn gì”.
Đạt muốn hỏi xem phải tiến tới thế nào, nhưng chàng sợ Hội cười mình là
ngớ ngẩn:
- Nhưng cô Hội xem ý Diễm, liệu Diễm có bằng lòng không?
- Sao lại không! Em hiểu Diễm lắm. Bề ngoài nó có vẻ kín đáo, hiền lành,
nhưng bên trong chính là một hỏa diệm sơn đấy! Nó chưa thương ai bằng
thương thầy. Thầy cứ yên tâm đi.
- Cám ơn Hội…
- Ngoẹo sang tay mặt… Đến nơi rồi…
Đạt mãi nghe chuyện Hội, nên Ao Bà Om hiện ra trước mắt chàng lúc nào,
chàng cũng không rõ. Xe của Đạt dừng bánh thì Diễm cũng vừa tới:
- Đẹp quá nhỉ!
Diễm đứng sững ngắm cảnh u nhã của Ao Bà Om. Ao rộng lớn, nước rờn
xanh, có trồng sen ở giữa. Xung quanh có những cây cao lớn, thân cây
thẳng tuốt, rễ cây ngổn ngang, lan tràn mặt đất, như những con rắn khổng
lồ khắp đó đây. Xe hơi có thể lượn vòng quanh ao, dưới những lùm cây…
Đạt ngồi lên trên một cái rễ cây, hỏi Hội:
- Sao gọi là Ao Bà Om hở cô Hội?
- Em cũng không biết tường tận cho lắm. Hình như ngày xưa có hai vợ
chồng, ông Om và bà Om, cũng thuộc vào loại như Hercule trong thần
thoại… Một bữa nọ, bà Om thách đố ông Om, hai người sẽ thi nhau, đào
mỗi người một cái ao trong vòng một đêm. Ông Om khinh thường bà Om
là đàn bà, chân yếu tay mềm, tin chắc là cái ao của bà sẽ không thể nào
bằng cái ao của ông, cho nên ông cứ vui vẻ uống rượu, mặc cho bà lúi húi
đào ao, đến khi gần sáng, thấy ao của bà đã gần hoàn thành, ông mới vội vã
ra tay thì… trời vừa sáng. Cho tới ngày nay, Ao Bà Om thì vẫn còn đó, mà
ao ông Om không thấy đâu! Chủ quan khinh địch có hại là như vậy, thưa